Phát triển Chính phủ số, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, công dân số
Điện Biên TV - Sáng 25/12, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Đề án 06 và tổng kết hoạt động của Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia năm 2022.
Dự hội nghị có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ. Dự tại điểm cầu tỉnh Điện Biên có đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp tỉnh, thành viên các tổ công tác triển khai Đề án 06.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Điện Biên. |
Theo đánh giá qua 1 năm thực hiện công tác triển khai Đề án 06 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, UBND địa phương triển khai quyết liệt. Đến nay, thực hiện các dịch vụ công, đã hoàn thành đưa 21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử, một số dịch vụ có tỷ lệ người dân hưởng ứng tham gia cao.
Về ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đã bước đầu triển khai kết nối như ứng dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế phục vụ khám chữa bệnh tại 94% cơ sở y tế, tiết kiệm tiền in thẻ BHYT giấy 24,7 tỷ đồng so với năm 2021.
Về phát triển công dân số, tính đến cuối năm, hệ thống đã thu nhận hơn 18,7 triệu hồ sơ đăng ký, phê duyệt trên 17 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân. Công tác cấp căn cước công dân gắp chíp điện tử tiếp tục được đẩy mạnh, đến nay đã cấp trên 76,5 triệu thẻ cho công dân.
Việc triển khai thực hiện chuyển đổi số, năm 2022 cũng đã đạt được những kết quả tích cực. Về hạ tầng số, tốc độ truyền thông băng rộng cố định tăng 30% so với năm 2021. Các doanh nghiệp viễn thông đã triển khai phủ sóng được trên 2.150 thôn, bản.
Nền tảng số được quan tâm phát triển, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các bộ, ngành công bố 50 nền tảng số, trong đó 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng kinh tế số, 16 nền tảng xã hội số.
Tại tỉnh Điện Biên, việc triển khai thực hiện Đề án 06 cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc cấp tỉnh; chỉ đạo thành lập 10 BCĐ cấp huyện, 129 Tổ công tác cấp xã và gần 1.500 Tổ công tác cấp thôn bản.
Huy động Tổ Công nghệ số cộng đồng với 5.500 thành viên trực tiếp hướng dẫn công dân thực hiện đăng ký, kích hoạt tài khoản VNEID và thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Tỉnh đã triển khai 23/25 dịch vụ thiết yếu trên Cổng dịch vụ công, năm 2022 đã tiếp nhận, giải quyết trên 192.800 hồ sơ, trong đó trực tuyến đạt 59%. Trong năm 2022, tỉnh Điện biên cũng đã thu nhận trên 74.400 hồ sơ CCCD, thu nhận hơn 230.500 hồ sơ định danh điện tử, làm sạch trên 656.250 dữ liệu dân cư (đạt 100%).
Về thực hiện chuyển đổi số, tỉnh Điện Biên đã triển khai có hiệu quả. Nền tảng chia sẻ và tích hợp dữ liệu cấp tỉnh được xây dựng, hiện nay, 100% ứng dụng có dữ liệu chung của tỉnh được kết nối và sử dụng, 100% cán bộ công chức được cấp tài khoản thư điện tử. Hệ thống hội nghị trực tuyến kết nối đến 129 xã, phường, thị trấn. Hạ tầng số cũng được đầu tư, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 840 trạm thu phát sóng, toàn tỉnh có 179 bưu cục, tổng số thuê bao di động ước đạt gần 540.000 thuê bao.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc đối với chúng ta, đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành.
Đảng, Nhà nước rất coi trọng và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Do đó, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 là rất nặng nề; vừa phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; phát triển Chính phủ số, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, công dân số./.
Đào Phương - Đức Bình/DIENBIENTV.VN