ILO: Việt Nam là câu chuyện thành công của thế giới về chuyển đổi cơ cấu lao động

Thứ Bảy, 20/08/2022, 17:21 [GMT+7]

Theo Giám đốc ILO Ingrid Christensen: Việt Nam là câu chuyện thành công của thế giới về chuyển đổi cơ cấu, đạt được thành tựu phát triển kinh tế và chuyển dịch lao động.

1
Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Ingrid Christensen khuyến nghị Chính phủ Việt Nam tiếp cận chính thức hóa lực lượng lao động, thị trường lao động một cách toàn diện nhất có thể - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc về "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập" khai mạc sáng nay (20/8) tại Trụ sở Chính phủ, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) - bà Ingrid Christensen nhận định: Chủ đề của hội nghị hôm nay gắn kết với sứ mệnh cốt lõi của ILO cũng như là nội dung chính trong chương trình làm việc của ILO với Chính phủ Việt Nam và các đối tác xã hội trong hai thập kỷ qua.

Cũng theo Giám đốc ILO, Việt Nam là câu chuyện thành công của thế giới về chuyển đổi cơ cấu, đạt được thành tựu phát triển kinh tế và chuyển dịch lao động.

Thị trường lao động là một kênh giúp thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm. Tăng trưởng bền vững phải dựa vào tăng trưởng năng suất, trong đó, năng suất lao động là một khía cạnh quan trọng, bởi năng suất lao động gắn với gia tăng thu nhập.

Tăng trưởng năng suất lao động một phần dựa trên phát triển nguồn nhận lực. Ở Việt Nam, các công việc đòi hỏi kỹ năng cao chiếm khoảng 12% tổng số việc làm. Việt Nam hướng đến trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 cũng đồng nghĩa với việc số lượng việc làm yêu cầu kỹ năng cao cũng nhiều gấp đôi. Sẽ có lúc Việt Nam đáp ứng được nhu cầu này bởi số lượng công việc đòi hỏi trình độ kỹ năng cao đang tăng nhanh gấp 3 lần tổng số việc làm. Câu hỏi mà chúng ta thường đặt ra là: Những công việc này sẽ đòi hỏi những kỹ năng gì? Chúng ta sẽ thực hiện dự báo các kỹ năng mà nền kinh tế cần như thế nào?

Dự báo kỹ năng là một hoạt động quan trọng nhưng chỉ hỏi "kỹ năng gì" lại chưa đủ. Các quốc gia thành công nhất trong việc tháo gỡ các rào cản này thường sử dụng các phương pháp tiếp cận theo ngành và có các thể chế ba bên để quản trị việc phát triển kỹ năng. Các phương thức này tạo ra đối thoại giữa bên hiểu rõ nhất về các kỹ năng đang rất cần trên thị trường (doanh nghiệp) và những người lãnh đạo hệ thống, những người quản lý, cung cấp và chứng nhận các kỹ năng này (Nhà nước).

Việt Nam hiện đang thí điểm các hội đồng kỹ năng nghề quốc gia. Chúng tôi khuyến nghị Việt Nam tiếp tục hoạt động này và thành lập thêm các hội đồng kỹ năng nghề trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt. Tuy nhiên, các cấu trúc này chỉ có hiệu quả nếu bên sử dụng lao động tham gia vào và dẫn dắt các đối thoại để xác định nhu cầu, nếu người lao động có tiếng nói thực sự. Chiến lược Phát triển đào tạo nghề năm 2021- 2030 là một bước quan trọng nhưng quá trình thực hiện cũng cần phải gắn kết chặt chẽ với các nguyên tắc và nguồn lực trên.

Năng suất lao động cũng phụ thuộc vào các thể chế và chính sách thị trường lao động, đặc biệt khi Việt Nam đang tiến đến một giai đoạn phát triển mới, nên những thể chế và chính sách này cũng phải thay đổi theo. Trong bối cảnh đó, vai trò của Nhà nước là đảm bảo các thị trường vận hành trơn tru và có một môi trường kinh doanh thuận lợi, đảm bảo các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.

Thị trường lao động của Việt Nam thể hiện rõ đặc tính nhị nguyên. Bên cạnh nhóm lao động trình độ kỹ năng cao có việc làm chính thức, còn có một bộ phận khác gồm những người lao động có kỹ năng thấp làm các công việc phi chính thức năng suất thấp. Lao động có việc làm phi chính thức đã giảm đáng kể ở Việt Nam trong 15 năm qua nhưng vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong số lao động có việc làm. Tỷ lệ phi chính thức cao nghĩa là hầu hết người lao động Việt Nam kiếm sống dựa vào các hoạt động có năng suất thấp, tạo ra thu nhập thấp và không có bất kỳ sự bảo hộ nào. Sự tăng trưởng dựa vào một thị trường lao động trong đó có hơn 60% lao động không có tiếp cận an sinh xã hội sẽ không bền vững, đặc biệt là trong một xã hội đang có sự già hóa về dân số như Việt Nam.

Chính phủ đã thể hiện cam kết mở rộng bao phủ an sinh xã hội thông qua nhiều chính sách, mới nhất là Chỉ thị 20 về an sinh xã hội và đang sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, vấn đề phi chính thức không chỉ gói gọn trong khả năng tiếp cận an sinh xã hội. Khi bộ phận này của thị trường lao động vẫn đang có năng suất thấp, trình độ kỹ năng thấp, làm các công việc được trả công thấp, thì Việt Nam sẽ không thể tận dụng tối đa tiềm năng về năng suất lao động của mình. ILO khuyến nghị Chính phủ Việt Nam tiếp cận chính thức hóa một cách toàn diện nhất có thể, và thiết lập các cơ chế điều phối liên bộ ngành. Chính thức hóa là hoạt động quan trọng, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của mình.

Việt Nam đang tiến hành sửa đổi Luật Việc làm, đạo luật quy định chức năng và nhiệm vụ của các tác nhân và thể chế của thị trường lao động. Trong cuộc họp đầu tiên của tôi với Bộ LĐTB&XH về hoạt động này, tôi đã được nghe về định hướng hiện đại hóa Luật Việc làm phù hợp với thực tiễn thị trường lao động. Bà Ingrid Christensen khuyến nghị một số định hướng cụ thể:

Thứ nhất, Luật Việc làm cần đưa ra được hướng dẫn đầy đủ về vai trò và trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thúc đẩy tạo việc làm, bao gồm cả các lĩnh vực liên quan đến phát triển kỹ năng được quy định trong luật, cũng như quyền và trách nhiệm của người tìm việc.

Thứ hai, Luật Việc làm cần có sự linh hoạt để có thể định kỳ sửa đổi các ưu tiên về thị trường lao động, để có thể bắt kịp các thay đổi diễn ra trên thị trường. Luật cũng có thể quy định về thành lập một cơ chế ba bên, chẳng hạn như ủy ban việc làm, để thực hiện nhiệm vụ này.

Thứ ba, khi các vấn đề về biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng, chúng ta cần phải có hành động chiến lược để chuyển dịch công bằng hướng đến một nền kinh tế và một xã hội bền vững hơn về môi trường.

Ngài Thủ tướng cũng đã từng nói "chúng ta chắc chắn không chấp nhận mô hình "phát triển trước và dọn dẹp sau"; không chấp nhận phương thức phát triển bằng mọi giá mà không bền vững". Các hành động này bao gồm các quy định, sự khuyến khích, các chiến lược đầu tư công, cũng như việc kích hoạt các chính sách về thị trường lao động và an sinh xã hội. Sự chuyển dịch phải được quản lý theo hướng tôn trọng các tiêu chuẩn về lao động, thông qua tham vấn ba bên và xây dựng sự đồng thuận.

Cuối cùng, Luật Việc làm cần phải định hướng chung cho sự phát triển thị trường lao động và hoạt động thúc đẩy tạo việc làm ở Việt Nam. Định hướng này phải bao trùm cả vai trò của di cư, an sinh xã hội, giới, kỹ năng và cũng cần phải liên kết với thương mại, chính sách công nghiệp, công nghệ, năng suất, bảo vệ môi trường trong mối liên kết với việc làm xanh và các lĩnh vực khác.

Link: https://vtv.vn/chinh-tri/ilo-viet-nam-la-cau-chuyen-thanh-cong-cua-the-gioi-ve-chuyen-doi-co-cau-lao-dong-20220820110405829.htm

 

 

Theo VTV

 

.