Phá rừng ở Nậm Pồ gia tăng do đâu?

Thứ Bảy, 13/08/2022, 15:40 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong 7 tháng đầu năm 2022, Nậm Pồ là địa phương có số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, nhất là tình trạng phá rừng cao nhất toàn tỉnh. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương đã có những giải pháp nào để xử lý và hạn chế tình trạng này.

Trong tổng số 74 vụ vi phạm lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn huyện Nậm Pồ trong 7 tháng đầu năm 2022 có đến 71 vụ phá rừng, tăng 52 vụ so với cùng kỳ năm 2021, diện tích rừng bị chặt phá lên đến gần 50 ha.  Điển hình tại một số xã như: Na Cô Sa, Nà Khoa, Nậm Nhừ, Nà Hỳ, Nậm Chua còn xảy ra tình trạng người dân phá rừng tập thể.

Trước tình trạng phá rừng diễn biến phức tạp, lực lượng chức năng đã đến tuyên truyền, ngăn chặn chặt phá rừng thì người dân có biểu hiện chống đối, manh động, tụ tập đông người đòi hỏi yêu sách, không cho lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường.

1
7 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn huyện Nậm Pồ xảy ra 71 vụ phá rừng, tăng 52 vụ so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Nguyễn Đình Lương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ, cho biết: “Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là, từ năm 2019 trở lại đây lượng lao động đi làm thuê mất việc làm quay về địa phương lớn. Trong quá trình đó, người dân không hiểu biết hết vị trí đã được quy hoạch, đặc biệt là vị trí rừng đã được tái sinh đủ điều kiện thành rừng nên dân đi phá diện tích đó dẫn đến vi phạm”.

Nhận thức của người dân còn hạn chế; người lao động không có việc làm, thu nhập ổn định chính là nguyên nhân khiến tình trạng phá rừng ngày càng gia tăng. Ngay sau khi xảy ra tình trạng phá rừng, cơ quan chuyên môn đã phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương khẩn trương xác minh, làm rõ để xử lý dứt điểm các vụ phá rừng trên địa bàn.

Theo ông Bùi Văn Luyện, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ: “Đến ngày 20/6, huyện đã tập trung giải quyết 67 vụ còn 7 vụ nữa tiếp tục xác minh để làm rõ. Quan điểm của huyện đã chỉ đạo ngành chức năng xử lý nghiêm các trường hợp này để tránh tình trạng phá rừng ở bà con sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Mục tiêu của huyện là giữ vững diện tích rừng hiện có và khoanh nuôi tái sinh rừng theo kế hoạch tỉnh giao và theo kế hoạch của huyện”.

1
Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân về việc quản lý bảo vệ rừng.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về quản lý bảo vệ rừng tại các địa bàn “nóng” về tình trạng phá rừng đang là giải pháp mà Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ phối hợp với 121 tổ dân vận cơ sở và UBND các xã tích cực triển khai. Tại buổi tuyên truyền, các văn bản luật về quản lý bảo vệ rừng, các quy định cũng như những hành vi vi phạm khi phát nương làm rẫy đã được phiên dịch sang tiếng Mông và tiếng Thái để người dân hiểu đúng và thực hiện nghiêm.

“Sau khi được cán bộ xã và kiểm lâm tuyên truyền, một phần giúp cho người dân chúng tôi hiểu được một số vấn đề về rừng thì chúng tôi sẽ không phá rừng. Khi làm nương, trước tiên người dân muốn phát nương phải thông báo với bản để có thông báo xuống xã xem khu đất mình định phát đã đưa vào quy hoạch hay chưa.” - anh Hoàng A Trống, bản Huổi Hoi, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ nói.

Để hạn chế tình trạng phá rừng, Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ tiếp tục kiểm tra, rà soát, kiên quyết thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích. Đồng thời, phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương và các tổ dân vận cơ sở trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, kịp thời phát hiện, xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp./.

 

 

Hoàng Út - Bùi Tiến/DIENBIENTV.VN
 

.