Hôm nay (7/1), Quốc hội thảo luận trực tuyến về gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng

Thứ Sáu, 07/01/2022, 07:35 [GMT+7]

 

1

Trong ngày 7/1, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian để thảo luận trực tuyến về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 7/1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thành viên Chính phủ có liên quan phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Từ 15h30, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Trình Quốc hội gói phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ đồng với 5 nhóm giải pháp

Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đây là những chính sách bổ sung, ngoài khung khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công giai đoạn từ 2021-2025. Tổng giá trị của những chính sách này trong 2 năm tới lên đến gần 350 nghìn tỷ đồng.

1

Chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023 như sau: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60 nghìn tỷ đồng); Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53,15 nghìn tỷ đồng); Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110 nghìn tỷ đồng); Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113,85 nghìn tỷ đồng); Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài NSNN khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Để có nguồn lực thực hiện, Chính phủ đề xuất tăng bội chi ngân sách với số tiền là 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023. Riêng năm 2022, Chính phủ ước tính tăng bội chi thêm khoảng 1,1% lên mức 5,1% để có số tiền khoảng 102.800 tỷ đồng.

Chính phủ cũng đề nghị cho phép nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước bình quân giai đoạn 2021-2025 có thể cao hơn 25%. Ngoài ra, tổng mức vay, trả nợ của ngân sách trung ương có thể cao hơn kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia; kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân thấp hơn 9 năm.

Ngoài ra, ngân sách Nhà nước có thể đi vay một số nguồn hợp pháp và hoàn trả khi có nguồn tăng thu hàng năm. Bộ Tài chính sẽ phát hành trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước.

Quyết sách không đúng, không trúng là có lỗi với nhân dân

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là gói chính sách bổ sung, nằm ngoài các khung khổ 5 năm đã được quyết định tại Kỳ họp thứ Nhất, do đó, Quốc hội cần thảo luận kỹ lưỡng, quyết định thận trọng bởi nếu chính sách không được quyết định đúng và trúng, để xảy ra lãng phí là có lỗi với nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc chuẩn bị nội dung cho kỳ họp bất thường của Quốc hội được triển khai từ sớm, ngay khi Quốc hội đang tiến hành Kỳ họp thứ 2 các cơ quan đã đề xuất về một số nội dung cấp bách cần trình Quốc hội xem xét, quyết định. Tuy nhiên tại thời điểm đó, việc chuẩn bị chưa đảm bảo rõ các nội dung bởi đây là những nội dung lớn, khó. Do đó, các cơ quan đã dự liệu đến trường hợp không kịp trình tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) nhưng không thể đợi đến kỳ họp thường kỳ của Quốc hội vào tháng 5/2022 thì cần thiết phải tổ chức kỳ họp bất thường của Quốc hội.

1
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận Tổ

Bày tỏ thống nhất với các ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị cần bảo đảm cân đối hơn nữa các chính sách dành cho lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực xã hội, tính toán đến vấn đề lao động, lao động phi chính thức, khôi phục cơ cấu, thị trường lao động, nâng cao chất lượng lao động hay vừa bảo đảm xử lý các vấn đề cấp bách trước mắt vừa bảo đảm các vấn đề phát triển lâu dài và phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong quá trình Quốc hội thảo luận, các cơ quan tiếp tục rà soát thêm.

Nhất trí phải có các cơ chế chính sách khác biệt nhằm bảo đảm giải ngân sớm, hấp thụ nhanh nguồn lực hỗ trợ, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu phải giữ nguyên tắc, bảo đảm tính thống nhất, minh bạch của hệ thống pháp luật, trong đó, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về quyết định của mình; vấn đề nào đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì mới trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các chính sách đặc thù cũng phải chỉ rõ địa chỉ cụ thể, quy trình thủ tục rõ ràng mới triển khai trong thực tế được chứ không thể nói chung chung. Tinh thần là Quốc hội ủng hộ cao nhất để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. Ủy ban Pháp luật cũng cần chủ động rà soát các vấn đề này. Các cơ chế chính sách thí điểm phải rõ địa chỉ để kiểm soát, cái gì cần sửa luật thì báo cáo Quốc hội để sửa luật. Nếu có ủy quyền, phân cấp thì chỉ ủy quyền, phân cấp một cấp, đi liền với đó là trách nhiệm.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trách nhiệm của Quốc hội và Chính phủ lần này là rất nặng nề, vì đây là vấn đề hệ trọng liên quan đến sự phục hồi và phát triển bền vững của đất nước. Do đó, trách nhiệm càng lớn thì càng phải thận trọng, kỹ lưỡng.

Cũng tại phiên thảo luận Tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tờ trình của Chính phủ không chỉ đề ra mục tiêu, giải pháp mà phương án huy động nguồn lực thực hiện hỗ trợ.

1
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Cho biết nhiều quốc gia đã tăng chi ngân sách để hỗ trợ phục hồi kinh tế, Chủ tịch nước cho rằng phải chấp nhận tăng nợ công, thâm hụt ngân sách, tăng trong tầm kiểm soát.

"Không cách nào khác, phải bơm tiền ra nền kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, phục vụ tăng trưởng" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị bổ sung nhóm giải pháp làm tăng hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, bảo đảm thu ngân sách nhà nước bền vững hơn; tăng tính minh bạch, công bằng, tăng vai trò điều tiết công cụ thuế.

"Cần có một hệ thống giải pháp chứ không phải chỉ tung tiền ra mà không có biện pháp quản lý sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng trong thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ" - Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu trong quá trình thực hiện gói tài khóa, tiền tệ phát triển kinh tế phải nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, vừa có mục tiêu tăng trưởng bảo đảm chất lượng, năng suất lao động với tinh thần tự cường, áp dụng những giải pháp chuyển đổi số sử dụng công nghệ với tốt hơn, mạnh hơn, đặc biệt là vấn đề lao động, việc làm, đào tạo nghề phải được giải quyết tổng thể, cụ thể.

Link: https://vtv.vn/chinh-tri/hom-nay-7-1-quoc-hoi-thao-luan-truc-tuyen-ve-goi-ho-tro-350-nghin-ty-dong-20220106225354117.htm

 

 

Theo VTV

 

.