Đề cương tuyên truyền dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê
Điện Biên TV - Chính phủ sẽ trình Quốc hội hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Để đảm bảo dự án Luật được các ĐBQH thống nhất, thông qua và để cán bộ, Nhân dân trên địa bàn tỉnh nắm rõ các nội dung của Luật, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Điện Biên đăng tải nội dung Tài liệu tuyên truyền về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.
Tiếp theo...
NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THỐNG KÊ
8. Quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê
Trên nguyên tắc và phương pháp thống kê đã được quốc tế công nhận, các quy định của Luật Thống kê, các Luật chuyên ngành có liên quan; khả năng có thể tính toán các chỉ tiêu thống kê do các Bộ, ban, ngành đề xuất và thực tiễn triển khai của các quốc gia khác trên thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị chỉ tập trung sửa đổi những nội dung lớn, đã rõ và thực hiện được ngay bảo đảm kịp thời cung cấp thông tin sát thực với tình hình phát triển của đất nước, phản ánh thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam trong thời kỳ mới, chưa đặt ra việc sửa toàn diện các vấn đề của Luật Thống kê hiện hành.
9. Phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 17 như sau:
“6. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương:
a) Trình Chính phủ ban hành nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hướng dẫn, kiểm tra tình hình và báo cáo kết quả thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia;
b) Định kỳ 05 năm rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội”.
2. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 48 như sau:
“d) Người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh công bố thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia phải thống nhất với cơ quan thống kê Trung ương trước khi công bố”.
3. Ban hành kèm theo Luật này Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia thay thế Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê số 89/2015/QH13.
10. Đối tượng áp dụng của Luật sửa đổi, bổ sung
Giữ nguyên đối tượng áp dụng của Luật Thống kê số 89/2015/QH13: Áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, thực hiện hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê.
11. Nguyên tắc xây dựng, sửa đổi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê
Việc sửa đổi, bổ sung chỉ tiêu thống kê quốc gia phải tuân thủ theo những nguyên tắc sau:
- Thứ nhất, thể chế hóa các đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác thống kê;
- Thứ hai, phản ánh tình hình kinh tế - xã hội chủ yếu của đất nước, phục vụ các cơ quan, lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII;
- Thứ ba, bảo đảm kế thừa, phát huy hiệu quả những quy định mang tính ưu việt trong Luật Thống kê; khắc phục hạn chế, bất cập và bổ sung những quy định phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước;
- Thứ tư, bảo đảm tính khả thi khi Luật Thống kê sửa đổi, bổ sung được ban hành, áp dụng thuận lợi trong thực tiễn;
- Thứ năm, khẳng định và nâng cao vai trò của hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước, bảo đảm phù hợp với thực tiễn thống kê Việt Nam và các nguyên tắc hoạt động thống kê chính thức của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc; bảo đảm so sánh quốc tế.
(1) GDP, GRDP là những chỉ tiêu quan trọng nhất phản ánh thực trạng kinh tế của một quốc gia và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên thực tiễn, quy trình này đã được kiểm nghiệm; khắc phục được tình trạng chênh lệch số liệu GDP và GRDP giữa Trung ương với địa phương; chất lượng số liệu được nâng cao; bảo đảm kỳ hạn biên soạn và công bố số liệu GDP và GRDP theo quy định; nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp giữa các đơn vị thuộc Tổng cục Thống kê trong việc biên soạn và công bố số liệu GDP, GRDP; bảo đảm tính đồng bộ và hệ thống, tính kết nối ở các khâu của quy trình; bảo đảm tính phù hợp giữa số liệu GDP và GRDP và các chỉ tiêu khác có liên quan như: Giá trị sản xuất (GO), chi phí trung gian (IC), giá trị tăng thêm (VA), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, thuế sản xuất và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác.
(2) Quy trình biên soạn GDP và GRDP là quy trình mang tính kỹ thuật chuyên sâu, trong quy định của Luật chỉ nên quy định trách nhiệm của Chính phủ trong việc ban hành và thực hiện quy trình này.
(3) Chính phủ ban hành quy trình này sẽ làm rõ trách nhiệm của cơ quan thống kê Trung ương và cơ quan thống kê cấp tỉnh, cũng như trách nhiệm phối hợp của thống kê Bộ, ngành liên quan đến việc cung cấp và sử dụng các thông tin thống kê cho công tác biên soạn và điều chỉnh GDP và GRDP thường xuyên và định kỳ.
Còn nữa...
DIENBIENTV.VN