Tài liệu tuyên truyền 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam

QUỐC HỘI TIẾP TỤC ĐỔI MỚI TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Thứ Ba, 05/01/2021, 05:28 [GMT+7]

Điện Biên TV – Dienbientv.vn giới thiệu phần tiếp theo của Tài liệu tuyên truyền 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946-06/01/2021), do Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành.

qh
Quang cảnh Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV.

Tiếp theo và hết.

III. QUỐC HỘI TIẾP TỤC ĐỔI MỚI TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

- Quốc hội luôn luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri, luôn luôn đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân.

- Sự phát triển của Quốc hội là một quá trình liên tục kế thừa và không ngừng đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng Việt Nam  Kinh nghiệm thực tiễn của Quốc hội khóa trước luôn là bài học quý cho việc củng cố, nâng cao Quốc hội khóa sau. Việc đổi mới cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội cần được tiến hành chặt chẽ, đồng bộ, có định hướng mục tiêu rõ ràng, bước đi chắc chắn và mang lại hiệu quả thiết thực.

- Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định để Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Quốc hội luôn nắm vững và vận dụng sáng tạo, đúng đắn đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng vào các hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và trong hoạt động đối ngoại. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là cơ sở vững chắc để xây dựng một cơ cấu tổ chức thống nhất của Quốc hội và là tiền đề để bảo đảm cho Quốc hội phát huy được vai trò của mình, thực hiện tốt các mối quan hệ giữa Quốc hội với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước.

- Chất lượng và hiệu quả thực hiện các chức năng của Quốc hội phụ thuộc phần lớn vào hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Sự đồng thuận, trách nhiệm của tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội; sự phối hợp có hiệu quả của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, tổ chức hữu quan và sự đóng góp tích cực của cử tri và nhân dân cả nước là yếu tố rất quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần giúp Quốc hội hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao...

- Việc gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân, nắm bắt đầy đủ, thấu hiểu sâu sắc tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của Nhân dân, trân trọng lắng nghe, phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân là nhân tố quan trọng bảo đảm cho Quốc hội có những quyết sách đúng đắn, phù hợp thực tiễn, góp phần nâng cao uy tín, vai trò của Quốc hội, thu hút được sự quan tâm, ủng hộ, đóng góp ý kiến xây dựng và củng cố niềm tin của cử tri, của Nhân dân đối với Quốc hội.

- Phát huy dân chủ trong sinh hoạt của Quốc hội là yêu cầu quan trọng tạo thêm sức mạnh và sự năng động, sáng tạo từ hệ thống chính trị của nước ta. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, khai thác tốt tiềm năng sáng tạo và tính chủ động của từng cơ quan của Quốc hội, từng đại biểu Quốc hội. Thực tế hoạt động của Quốc hội cho thấy có những vấn đề được quyết định không dễ dàng mà phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng từ nhiều góc độ, nhiều khía cạnh, qua đó đã làm cho các quyết định có tính chính xác cao hơn, tạo sự đồng thuận tốt hơn, giúp công tác chỉ đạo điều hành thuận lợi và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống và phù hợp với ý nguyện của Nhân dân.

Để tiếp tục phát huy vị trí, vai trò của Quốc hội trong giai đoạn phát triển mới; Quốc hội, các cơ quan Quốc hội và đại biểu Quốc hội tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động, tiến hành thực hiện năm nguyên tắc và năm nhiệm vụ sau:

Nguyên tắc

Một là, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, thực sự là Quốc hội của Nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Hai là, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ phù hợp với các nguyên tắc tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội.

Ba là, tổ chức và hoạt động của Quốc hội phải tuân theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Bốn là, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức xã hội chủ nghĩa.

Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội.

2. Nhiệm vụ

Một là, Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động lập pháp; tăng cường năng lực lập pháp của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng các dự án luật. Tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp, bảo đảm tiến độ và chất lượng chuẩn bị dự án luật ngay từ những công đoạn đầu, coi trọng xác định nội dung chính sách luật trước khi tiến hành các bước tiếp theo trong quy trình lập pháp.

Hai là, Nâng cao hiệu quả giám sát, đổi mới mạnh mẽ phương thức tiến hành, khắc phục tình trạng giám sát dàn trải, thiếu chiều sâu; tập trung giám sát những vấn đề bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội. Thông qua giám sát để đánh giá đúng hiệu quả hoạt động và xác định đúng trách nhiệm nhằm thúc đẩy nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Đề cao trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của Nhân dân; chú trọng nâng cao chất lượng việc quyết định ngân sách nhà nước, các vấn đề về kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy nhà nước...

Ba là, Nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của Quốc hội, từ đó kiện toàn và tăng cường tổ chức của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đề cao vị trí, vai trò của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội, chuyển hình thức làm việc của Quốc hội từ tham luận sang tranh luận. Hoạt động của Quốc hội chủ yếu thông qua hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban và quyết định tại phiên họp toàn thể của Quốc hội.

Bốn là, Chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng đại biểu Quốc hội, coi đây là việc làm có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao chất lượng thực hiện các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội; hoàn thiện cơ chế lựa chọn, giới thiệu và tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội; tăng cường mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri; tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, phát huy mạnh mẽ vai trò của đại biểu Quốc hội ở cả Trung ương và địa phương. Đồng thời, củng cố, nâng cao năng lực các cơ quan tham mưu giúp việc, tạo thêm các điều kiện và phương tiện làm việc, nhằm hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội.

Năm là, Tiếp tục chủ động và tích cực triển khai hoạt động đối ngoại của Quốc hội, góp phần thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Triển khai mạnh mẽ hơn nữa hoạt động đối ngoại nghị viện trong tình hình mới, góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế.

Kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2021) là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại lịch sử hình thành và phát triển; ghi nhận những thành tựu và rút ra những bài học kinh nghiệm mà Quốc hội nước ta đã đạt được trong 75 năm qua; góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân về Quốc hội và hoạt động của Quốc hội. 

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân; sự hợp tác và giúp đỡ của bạn bè quốc tế; sự ủng hộ và giám sát của Nhân dân, Quốc hội nước ta sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

 

 

DIENBIENTV.VN
 

.