Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử

Thứ Tư, 12/02/2020, 13:51 [GMT+7]
Điện Biên TV - Sáng 12/2/2020, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với Ban Chỉ đạo Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương.
 
Tham dự hội nghị trực tuyến có đồng chí Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Phó Chủ tịch Thường trực UBQG về CPĐT; thành viên Ủy ban Quốc gia (UBQG) về Chính phủ điện tử và các điểm cầu Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về Chính phủ điện tử phát biểu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về Chính phủ điện tử phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị trực tuyến toàn quốc với Ban Chỉ đạo Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về Chính phủ điện tử nêu rõ hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá một năm triển khai Chính phủ điện tử xem đạt kết quả nào tốt nhất để nhân rộng cách làm đó và bổ sung, hoàn thiện các giải pháp một cách thực chất.

Chính phủ điện tử không phải làm một lúc là xong được mà chia làm nhiều giai đoạn, có những giai đoạn quan trọng, trong đó năm 2020 là năm nhiều thách thức, nhất là đang diễn ra dịch nCoV. Chúng ta phải có định hướng như thế nào để triển khai có hiệu quả nhất để tăng năng suất lao động.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trong việc tích cực triển khai có hiệu quả các giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút corona gây ra, nếu làm tốt, chính phủ điện tử cũng là một trong những biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh này.

Điểm cầu tỉnh Điện Biên.
Điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã trình bày báo cáo sơ kết năm 2019, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020 và định hướng đến 2025. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng báo cáo thêm một số kết quả triển khai nhiệm vụ Cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ chủ trì, triển khai thực hiện trong năm 2019.

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2019, công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 tăng gấp đôi. Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ; Cổng Dịch vụ công quốc gia đã được khai trương và đi hoạt động đã phát huy hiệu quả bước đầu; công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng được cải thiện.

Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương (09/12/2019) đến nay, đã có 47.377 tài khoản đăng ký trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; có hơn 13,7 triệu lượt truy cập; hơn 945.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái. Đến thời điểm này, đã có 9/22 Bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành phố kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia.Tính đến 10/02/2020, đã có hơn 1,26 triệu văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia.

Bên cạnh những kết quả như trên, trong triển khai các nhiệm vụ Chính phủ điện tử vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như chưa hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật làm khung thể chế cho triển khai Chính phủ điện tử như chưa hoàn hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai.

Trên 70% các bộ, ngành, địa phương chưa có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Chưa có nền tảng thanh toán điện tử cho dịch vụ công. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa có ý thức thay đổi thói quen, vẫn ưu tiên thực hiện theo các phương thức truyền thống...

Đại biểu bấm nút khai trương Khai trương cổng dịch vụ công trực tuyến.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Điện Biên bấm nút khai trương Khai trương cổng dịch vụ công trực tuyến.

Tại tỉnh Điện Biên đã triển khai kết nối liên thông Hệ thống quản lý văn bản và điều hành vào Trục liên thông văn bản Quốc gia với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ TN&MT và các đơn vị trong tỉnh (19 sở, ngành, 10 UBND cấp huyện, 130 xã); Trong năm 2019 đã gửi nhận khoảng 490.000 văn bản điện tử giữa các đơn vị.

Thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Điện Biên đã được triển khai vận hành chính thức từ ngày 18/9/2019 tại địa chỉ https://dichvucong.dienbien.gov.vn.

Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã cung cấp các thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã với tổng số 2.219 thủ tục hành chính, trong đó: 1.785 thủ tục hành chính mức độ 2; 251 thủ tục hành chính mức độ 3; 86 thủ tục hành chính mức độ 4.

Hiện nay, tỉnh Điện Biên đã hoàn thành việc kết nối Trục liên thông của tỉnh vào trục liên thông văn bản Chính phủ theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 2887/VPCP-KSTT ngày 09/4/2019 đảm bảo việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số trên Trục liên thông văn bản quốc gia theo yêu cầu.

 

Tử Long/DIENBIENTV.VN

.