Chuyển đổi số tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Điện Biên TV - Chuyển đổi số, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ Nhân dân luôn là ưu tiên hàng đầu được Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai trong thời gian qua. Bệnh viện đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới các công nghệ số hiện đại, tạo sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế, từ quản trị, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Là bệnh viện tuyến đầu của tỉnh, từ tháng 5/2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp. Qua đó, giúp người dân thực hiện các thủ tục khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, kịp thời. Thực hiện chuyển đổi số, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chủ động xây dựng, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị đọc mã QR-code giúp việc khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip được thực hiện nhanh chóng.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục nên người dân bước đầu đã quen với quy trình khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip điện tử tại bệnh viện. “Tính từ đầu năm đến nay đã có gần 32.000 lượt khám bệnh thực hiện bằng thẻ CCCD gắn chíp, tỷ lệ thành công đạt trên 90%.” - bác sĩ Trần Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Điện Biên, cho biết.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong khám chữa bệnh đã tạo nhiều thuận lợi cho Nhân dân, rút ngắn thời gian làm thủ tục, hạn chế các loại giấy tờ phải mang theo. |
Thực hiện chuyển đổi số, hiện đại hoá quản lý ngành Y tế cũng như đem lại lợi ích cho người dân, từ năm 2021, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt với nhiều hình thức: Quẹt thẻ ngân hàng qua máy POS; chuyển khoản trực tiếp Mobibanking; chuyển khoản qua các ứng dụng thanh toán Zalopay, ViettelPay,quẹt QR-code...
Trong 3 tháng gần đây, tỷ lệ thanh toàn không dùng tiền mặt đã tăng 20% so với trước. Với sự đa dạng trong thanh toán đã góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí quản lý và rút ngắn quy trình thanh toán đáng kể cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
"Tôi thấy rất tiện ích khi dùng điện thoại để thanh toán. Như đến bệnh viện, tôi có thể dùng điện thoại để quét mã QR, cũng như đi chợ cũng thế, tôi thấy rất tiện lợi." - chị Vũ Thị Ngọc, xã Pom Lót, huyện Điện Biên, nói.
Cùng với việc ứng dụng khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chíp và thanh toán không dùng tiền mặt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống quản lý. Đến nay, 100% các khoa, phòng của bệnh viện đều được trang bị máy tính kết nối mạng nội bộ, mạng internet; lắp đặt, cài đặt và đưa vào sử dụng hiệu quả nhiều phần mềm ứng dụng như: Hệ thống phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện; hệ thống phần mềm quản lý xét nghiệm; hệ thống phần mềm quản lý hóa đơn điện tử và thanh toán BHYT,… giúp quá trình quản lý được minh bạch hóa, nhanh gọn, chính xác, tiết giảm thời gian, nâng cao hiệu quả.
Việc thanh toán không dùng tiền mặt được nhiều cơ sở y tế áp dụng. |
Bác sĩ Trần Đức Nghĩa, Phó Giám đốc bệnh viện Đa Khoa tỉnh Điện Biên, thông tin: "Thời gian tới, bệnh viện sẽ củng cố hệ thống công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số vào công tác khám chữa bệnh; đẩy mạnh tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt; tăng tỷ lệ người bệnh đến khám chữa bệnh sử dụng CCCD. Ứng dụng công nghệ, nâng cấp hệ thống quản lý tổng thể bệnh viện làm sao các số liệu về tài chính kế toán, nhân lực,… liên thông một cách minh bạch để thuận lợi cho người dân đến khám chữa bệnh".
Với quyết tâm cao và nỗ lực trong công tác chuyển đổi số của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Song trong quá trình thực hiện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn gặp nhiều thách thức, đặc biệt là các hạn chế về trang thiết bị, phần mềm, đặc biệt là nguồn nhân lực số.
Để giải quyết vấn đề này, Bệnh viên Đa khoa tỉnh đã tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, y bác sĩ. Đồng thời, ứng dụng các phần mềm quản trị, khám, chữa bệnh hiện đại nhằm tiếp tục nâng cao hơn chất lượng phục vụ người bệnh, tạo dựng hình ảnh bệnh viện chuyên nghiệp, là địa chỉ tin cậy của người dân khi đến khám và điều trị.
Đào Phương - Bùi Tiến/DIENBIENTV.VN