Tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng
Điện Biên TV - Thời gian qua, diễn biến dịch bệnh tay chân miệng ở trẻ em trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang có chiều hướng gia tăng và đã ghi nhận ca bệnh biến chứng hệ thần kinh phải chuyển tuyến Trung ương để điều trị. Trước tình hình đó, công tác phòng chống dịch đã và đang được ngành y tế, cùng các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện bằng nhiều giải pháp cụ thể.
Nhà trẻ tư thục Đam Mê, phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, công tác vệ sinh, kiểm tra sức khỏe cho trẻ được các giáo viên chú trọng thực hiện. Các đồ dụng sinh hoạt trong ăn uống, đồ chơi, phòng học, phòng bếp cũng được vệ sinh, khử khuẩn thường xuyên nhằm phòng tránh lây nhiễm bệnh tay chân miệng cho trẻ.
Giáo viên Nhà trẻ tư thục Đam Mê hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách. |
Chị Nguyễn Thị Việt Anh, Chủ Nhà trẻ tư thục Đam Mê, phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ: “Các cháu ở đây đa phần là nhà trẻ, nên ý thức tự bảo vệ mình để phòng bệnh cũng rất hạn chế. Vậy nên chúng tôi phải chủ động phòng tránh cho các cháu bằng cách sử dụng bát ăn riêng, đũa, thìa, khăn mặt, bình nước. Thời điểm hiện tại thì chưa có bé nào bị chân tay miệng”.
Để tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng, thời gian qua, các trạm y tế trên địa bàn tỉnh đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn các trường mầm non và các cơ sở trông giữ trẻ… các biện pháp phòng bệnh. Trong đó, tập trung tuyên truyền các biện pháp như: Vệ sinh môi trường, khử trùng lớp học và đồ chơi của trẻ; khi trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng cần cho trẻ nghỉ học không đến lớp để tránh lây bệnh cho những trẻ khác.
Hiện trên địa bàn phường mới chỉ có một ca mắc bệnh tay chân miệng, vì vậy tập thể cán bộ trạm tập trung vào công tác truyền thông, vệ sinh cho người chăm sóc trẻ cũng như người nuôi trẻ.”- Bác sĩ Lê Thị Thu, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ cho biết
Cán bộ y tế tuyên truyền hướng dẫn cơ sở mầm non các biện pháp phòng bệnh. |
Song song với công tác tuyên truyền, hoạt động giám sát cũng được các cơ sở y tế thực hiện nhằm phát hiện sớm các ca bệnh tại cộng đồng; tổ chức khoanh vùng, cách ly và xử lý ổ dịch kịp thời, không để dịch lan rộng.
Bác sĩ Hoàng Thị Hồng Thơm, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên: “Bệnh tay chân miệng sẽ có những biến chứng nặng ở trẻ em, vì vậy khi trẻ có các triệu chứng như: sốt, nôn, tiêu chảy, mụn loét ở vùng miệng, mụn nước ở lòng bàn thay, bàn chân, co giật, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời tránh biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim”.
Trong thời gian tới, bên cạnh nỗ lực của ngành y tế, để tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh tay chân miệng, rất cần sự phối hợp của các cấp chính quyền, trường học, đặc biệt là sự quan tâm của các bậc phụ huynh, bởi mỗi một gia đình sẽ là “lá chắn” phòng bệnh tốt nhất cho trẻ.
Thu Nga - Duy Hải/DIENBIENTV.VN