Hiểu đúng trong phòng và điều trị cúm A
Điện Biên TV - Cúm A lưu hành và tăng mạnh trong giai đoạn tỉnh Điện Biên vẫn đang ghi nhận các ca mắc Covid-19 và sốt xuất huyết khiến nhiều người nhầm lẫn do có nhiều triệu chứng giống nhau. Việc sử dụng thuốc không đúng bệnh sẽ gây nguy hiểm cho cơ thể, nhất là khi người dân tự ý điều trị cúm A bằng thuốc kháng virus Tamiflu. Hiểu biết đúng về bệnh, nhận biết bệnh sớm, theo dõi tích cực và dự phòng hiệu quả là cách chủ động để đẩy lùi bệnh cúm A ở từng cá nhân và cho cả cộng đồng.
Sau 1 ngày khi con có các biểu hiện sốt cao đột ngột kèm theo ớn lạnh, ho nhiều, sổ mũi, dùng thuốc hạ sốt không đỡ, chị Quàng Thị Hương, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên cho con đi khám vì các triệu chứng giống với Covid-19.
“Khi cháu có biểu hiện ho, sốt cao, giống biểu hiện của Covid-19 gia đình liền cho cháu vào viện để điều trị. Theo chẩn đoán cháu bị cúm A chứ không phải mắc Covid-19.” - chị Hương cho biết.
Cúm A là bệnh dễ lây nhiễm và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm ở trẻ em, người già trên 65 tuổi, phụ nữ có thai và người có hệ miễn dịch yếu. Tuy nhiên, bệnh lại có thể dự phòng bằng vắc xin cúm. Thế nhưng hầu hết các các ca mắc cúm A đang điều trị tại các bệnh viện đều chưa tiêm vắc xin phòng cúm. Mặt khác, một số trường hợp, người dân còn tự ý mua thuốc kháng virus Tamiflu để điều trị cúm A.
Người bệnh không nên tự ý mua thuốc kháng virus Tamiflu để điều trị cúm A mà cần có chỉ định của bác sĩ. |
Theo bác sĩ Hoàng Thị Hồng Thơm, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên: Việc tùy tiện sử dụng các thuốc chống viêm, thuốc kháng virus không có chỉ định của bác sỹ là không đúng vừa gây lãng phí vừa gây nguy hiểm đến tính mạng.
“Tamiflu sử dụng tốt nhất sau khi xuất hiện triệu chứng trong 2 ngày đầu, đã quá thời gian đó rồi không cần phải sử dụng thuốc này nữa. Tamiflu không phải là thuốc điều trị bừa bãi nên người bệnh cần phải có sự chỉ định của bác sĩ.” - bác sĩ Hoàng Thị Hồng Thơm, nói.
Cúm A và Covid-19, sốt xuất huyết có triệu chứng khá giống nhau nên khi có dấu hiệu sốt, người dân nên đi khám sớm, sử dụng thuốc điều trị kịp thời, không nên tự ý điều trị tại nhà để tránh những biến chứng đáng tiếc. Trong giai đoạn cúm bùng phát cùng bệnh sốt xuất huyết và Covid-19 để chủ động phòng bệnh trước nguy cơ “dịch chồng dịch”, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.
Bác sĩ CKI Bùi Quang Thắng, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên: “Trong dự phòng điều trị cúm A người dân cần chú trọng vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang trước khi ra ngoài, rửa tay thường xuyên và không tập trung ở những nơi đông người. Ngoài ra, khi có các dấu hiệu về cúm như: ho, sốt hoặc đau mỏi người, sốt rét run,… vì vậy người bệnh nên đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và kiểm tra. Trong triệu chứng của cúm dễ nhầm lẫn giữa cúm với Covid-19 đôi khi là cảm lạnh thông thường, tốt nhất nên được tư vấn ở cơ sở y tế”.
Trong điều trị dự phòng cúm A hiệu quả, biện pháp tốt nhất hiện nay là thực hiện tiêm vắc xin cúm đầy đủ hàng năm. Bởi đây là biện pháp chủ động và hiệu quả bảo vệ cơ thể trước mối lo ngại gia tăng của dịch bệnh./.
Hoàng Út - Đức Trung/DIENBIENTV.VN