Cần giải pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức, pháp luật
Bạo lực với học sinh, xâm phạm thân thể học trò, thiếu chuẩn mực trong lối sống… nhiều hành vi lệch chuẩn của một bộ phận nhà giáo khiến dư luận không khỏi bức xúc.
Đạo đức nhà giáo không bao giờ là vấn đề xưa cũ, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay càng mang tính thời sự. Người thầy luôn được coi là tấm gương, sự chuẩn mực về đạo đức để thế hệ sau noi theo. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận nhà giáo biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, hành vi ứng xử cả trong cuộc sống và môi trường học, đặc biệt là trong thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các hành vi không chỉ vi phạm đạo đức nhà giáo mà còn vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng
Tháng 5/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Diễn Châu đình chỉ đứng lớp 15 ngày đối với 1 giáo viên đánh học sinh lớp 3. Nguyên nhân cô đánh học sinh là vì em không hoàn thành bài tập trên lớp.
Cũng trong tháng cuối cùng của năm học 2021 - 2022, giáo viên chủ nhiệm lớp 1B Trường Tiểu học Lê Văn Tám, Đắk Lắk dùng thước kẻ đánh học sinh lớp 1 bầm tím. Một giáo viên Tiếng Anh ở Bà Rịa Vũng Tàu cũng dùng thước đánh 19 học sinh trong nhiều tiết học do các em không chịu học.
Ngoài các hành vi bạo lực, một số giáo viên cũng bị phát hiện có hành vi xâm hại học sinh, trong đó có cả những em ở lứa tuổi tiểu học. Tháng 5/2022, một giáo viên ở trường Tiểu học và THCS Đông Long, Thái Bình bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc xâm hại 1 học sinh lớp 5 tại trường. Ngay trong tháng 7, một giáo viên khác tại trường THCS Lê Lợi, Hải Dương bị phát hiện nhiều lần có hành vi xâm hại học sinh lớp 9. Người này cũng thừa nhận đã dùng lời lẽ lăng mạ và đe dọa các em để che giấu hành vi.
Một số giáo viên cũng bị phát hiện có hành vi ứng xử, lối sống thiếu chuẩn mực khi quan hệ bất chính với người đã có gia đình như trường hợp một nữ giáo viên ở trường Tiểu học Tân Hưng (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) và một giáo viên mầm non ở Trường mầm non Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Chia sẻ quan điểm về việc liên tiếp xảy ra những vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: "Bất cứ một sự vi phạm nào liên quan đến vi phạm đạo đức hay vi phạm pháp luật của nhà giáo đều không thể chấp nhận được và xã hội không thể chấp nhận được. Bởi nói đến nhà giáo là nói đến tấm gương sáng và nhiệm vụ của nhà giáo là phải đào tạo nhân cách cho học sinh vì vậy dù tỷ lệ những nhà giáo vi phạm đạo đức không nhiều nhưng mỗi câu chuyện nhỏ như vậy có thể gây ra ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội nói chung. Tôi nghĩ rằng, cần phải có giải pháp thật rõ, thật mạnh để ngăn chặn tình trạng một số giáo viên vi phạm đạo đức hoặc vi phạm pháp luật".
Cũng theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa: "Nói đến người thầy là nói đến một hình ảnh mà trong đó vấn đề không chỉ là kiến thức, không chỉ là trí tuệ mà còn là phẩm chất, đạo đức, kỹ năng để làm sao làm tốt nhất nhiệm vụ của người thầy. Thứ hai, đối tượng học trò, sản phẩm của người dạy học là những nhân cách học sinh. Tôi ủng hộ quan điểm tuyển dụng vào ngành sư phạm nên vừa tuyển qua điểm, qua học bạ nhưng phải có những hình thức xét tuyển".
Tháng 6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 08 về việc tăng cường xây dựng văn hóa học đường. Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai công tác xây dựng văn hoá học đường nhằm triển khai hiệu quả Chỉ thị này, đặc biệt khi năm học mới sắp sửa bắt đầu.
Xây dựng và phát triển văn hoá học đường phải được coi là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm và quan trọng của ngành Giáo dục. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là giải pháp toàn diện để củng cố, gia tăng tố chất văn hóa và phát triển người học, trở thành những con người Việt Nam mới, phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và cộng đồng. Để làm được điều này, thầy cô giáo đóng vai trò chủ đạo trong việc định hướng, nêu gương và truyền cảm hứng cho học sinh.
Người thầy cũng còn là người cha, người mẹ, người con trong gia đình với tất cả những lo toan trong cuộc sống như tất cả mọi người, trong khi trách nhiệm áp lực đặt lên vai họ rất lớn, là đào tạo con người. Nếu không có những giải pháp cả về thu nhập, cơ chế, quản lý phù hợp thì cũng rất khó để họ hoàn thành tốt sứ mệnh của mình
Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức hay một hệ thống khen thưởng, trách phạt nào. Bởi thế việc xây dựng chuẩn mực đạo đức người thầy là cốt lõi trong xây dựng môi trường văn hóa học đường.
Link: https://vtv.vn/xa-hoi/can-giai-phap-manh-de-ngan-chan-tinh-trang-giao-vien-vi-pham-dao-duc-phap-luat-20220825093026277.htm
Theo VTV