Gạc Ma, những hy sinh bất tử
Điện Biên TV - Những con tàu của Hải quân nhân dân Việt Nam khi đi qua vùng biển Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin đều dừng lại làm nghi thức tưởng niệm 64 chiến sĩ đã hy sinh ngày 14.3.1988 trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh trên vùng biển Gạc Ma - Len Đao |
Những ngày đầu tháng 1/2020, Phóng viên Dienbientv.vn được tham gia lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên vùng biển Gạc Ma - Len Đao, chẳng ai bảo ai, tự trong trái tim mỗi người dâng tràn xúc động. Chúng tôi nhìn về phía đảo Gạc Ma xót xa, nhiều phóng viên nghẹn ngào, còn các chiến sĩ rơm rớm nước mắt.
Trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, Thượng tá Nguyễn Đức Độ, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác xúc động nói: "Cách đây 32 năm, ngày 14.3.1988, tại vùng biển Gạc Ma, những cán bộ, chiến sĩ Hải quân ưu tú, những người con kiên trung của dân tộc đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trước sự tấn công trắng trợn và phi lý của lực lượng tàu chiến hải quân Trung Quốc".
"Chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã lấy nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ cao cả, thiêng liêng của mình và đã tự kiềm chế để giữ vững nguyên tắc không dùng vũ lực để giải quyết những vấn đề tranh chấp, tuân thủ nghiêm túc Công ước về Luật biển năm 1982 và tập quán quốc tế, vì lợi ích hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Song, bất chấp lẽ phải và không khuất phục được ý chí kiên cường, quyết tâm sắt đá để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, Trung Quốc đã ngang nhiên tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải của ta. Cuộc chiến đấu không cân sức giữa lực lượng xây dựng, bảo vệ đảo và tàu vận tải của ta với nhiều tàu chiến có trang bị vũ khí hiện đại của nước ngoài đã xảy ra".
Bia tưởng niệm 64 anh hùng liệt sỹ hy sinh trên vùng biển Gạc Ma - Len Đao được đặt tại ngôi chùa trên đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa |
Thượng tá Nguyễn Đức Độ cho biết thêm và khẳng định: "Đó là cán bộ, chiến sĩ tàu HQ-505, HQ-604, HQ-605 thuộc Lữ đoàn 125; cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 146; Trung đoàn công binh 83 Hải quân, những tập thể kiên cường đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, dũng cảm ngoan cường chiến đấu để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng".
"Trong cuộc chiến đấu anh dũng ấy, thiếu úy Trần Văn Phương đã quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình và động viên đồng đội: “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”. Và còn rất nhiều những tấm gương sáng thể hiện lòng kiên trung, tinh thần chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hiến dâng trọn tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc", Thượng tá Nguyễn Đức Độ bùi ngùi nhớ lại trong lễ tưởng niệm.
Giữa biển trời bao la ở Trường Sa, tiếng trưởng đoàn công tác thăm thẳm sâu quyện vào sóng nước. “Đảo Trường Sa là của Việt Nam, là linh hồn Tổ quốc Việt Nam. Nơi đây, bao người con ưu tú của Tổ quốc đã chiến đấu anh dũng, hy sinh, giành giật từng tấc đảo và bảo vệ những phiến đá kiến tạo qua hàng ngàn năm lịch sử, được cha ông ta giữ gìn từ lâu đời.
Không để kẻ thù cướp đảo thân yêu, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh đã giằng co quyết liệt, cắm cờ Tổ quốc lên đảo để khẳng định cột mốc chủ quyền. Lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân thêm một lần nữa lại tô thắm máu đào của 64 liệt sĩ.
Tiếng nói của Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương sẽ mãi khắc sâu trong tâm khảm của triệu triệu người dân Việt Nam, từ thế hệ này qua thế hệ khác: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”.
Tiếng nói ấy không chỉ thể hiện khí phách anh hùng, mà còn là tư thế của người làm chủ thực sự biển, đảo dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đó là một tuyên ngôn bất tử về Trường Sa - tuyên ngôn của thế hệ trẻ hôm nay, không sợ hy sinh gian khổ, quyết đem cả tính mạng của mình bảo vệ từng tấc đất, sải sóng thiêng liêng của Tổ quốc.
Các anh đã gác lại bao ước mơ, hoài bão và dâng hiến tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ những cột mốc tiền tiêu. Máu các anh lẫn vào biển xanh, xương của các anh đã thấm vào lòng đảo, tên các anh được đời đời thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ”
Đồ lễ Hạc giấy và hoa cúc trôi theo sóng về bãi Gạc Ma... |
Chiến sỹ trẻ Lê Văn Bình ra làm nhiệm vụ tại Đảo Phan Vinh thuộc quần đảo Trường Sa xúc động nói: “Được dự Lễ tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã đã giúp chúng tôi hiểu biết hơn về những chiến công và sự hy sinh của thế hệ đi trước về bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chúng tôi, những người lính Hải quân thế hệ sau kính dâng hương, dâng hoa lên các anh. Mong các anh thanh thản, bình yên nơi biển cả, chúng tôi nguyện noi gương các anh, quyết tâm giữ vững biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của tổ quốc.
Trong không khí thiêng liêng khi cả nước hướng về ngày kỷ niệm trận chiến lịch sử 14/3, chúng ta nghiêng mình, thành kính thắp nén tâm nhang tri ân những cán bộ, chiến sĩ Gạc Ma đã anh dũng hy sinh, hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp đấu tranh gìn giữ chủ quyền biển đảm thiêng liêng của Tổ Quốc.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc ở Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao ngày 14-3-1988, tàu chiến Trung Quốc đã bắn cháy, bắn chìm 3 tàu vận tải quân sự của ta, khiến 64 cán bộ chiến sĩ hy sinh, 11 người bị thương và bị bắt. trước khi chiếm bãi đá Gạc Ma. Các lực lượng ta anh dũng chiến đấu, kiên cường chốt giữ Cô Lin, Len Đao trong sự chênh lệch về con người, vũ khí, phương tiện đối với phía Trung Quốc. Sau đó, công binh HQ đã hoàn thành xây dựng nhà cấp 2 trên đảo Cô Lin và Len Đao, bàn giao cho lực lượng bảo vệ thuộc Lữ đoàn 146. |
Hương Trà/DIENBIENTV.VN