Giải pháp nào cho tình trạng tảo hôn ở huyện Tuần Giáo

Thứ Bảy, 05/10/2019, 06:53 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hiện nay trên địa bàn huyện Tuần Giáo, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn diễn ra khá phổ biến, để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, nguồn nhân lực và suy giảm giống nòi. Do vậy, để hạn chế và từng bước xóa bỏ tình trạng này, huyện Tuần Giáo cần có những giải pháp cụ thể.

Cách đây 2 năm, khi vừa tròn 16 tuổi, Lò Thị Vân ở bản Hới Nọ 2, xã Quài Tở quyết định bỏ học lấy chồng, khi đó Quân chồng của Vân cũng mới chỉ 17 tuổi. Mặc dù biết ở tuổi này chưa đủ điều kiện để kết hôn theo quy định nhưng Vân lý giải rất nhiều lý do.

Em Lò Thị Vân, Bản Hới Nọ 2, xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo cho biết: Cháu học hết lớp 10 xong là cháu lấy chồng tại vì đi học tiếp có ra trường thì bố mẹ cũng hoàn cảnh khó khăn nên khó xin việc, nên phải lấy chồng sớm. Bọn cháu bây giờ làm ruộng, ngoài ra còn làm đồ ăn sáng cho học sinh nữa.

1
Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện có trên 600 trường tảo hôn và 18 cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống

Còn gia đình chị Lò Thị Kiên, ở bản Món, xã Quài Tở, anh chị lấy nhau khi cả hai có cùng chung huyết thống. Do lấy nhau cận huyết thống nên khi vợ chồng chị sinh được 2 đứa con: một trai, một gái, cả hai cháu đều bị câm điếc bẩm sinh, không những thế hai con chị còn bị suy dinh dưỡng thấp bé, nhẹ cân. Dù 2 con bị bệnh tật nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh chị vẫn chưa có điều kiện đưa các cháu đi khám. Mọi giao tiếp với các cháu hàng ngày chỉ qua ánh mắt, cử chỉ và hành động.

Các trường hợp kể trên chỉ là một, hai trong hàng chục, hàng trăm trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Tuần Giáo. Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện có trên 600 trường tảo hôn và 18 cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống.

Các trường hợp tảo hôn chủ yếu là người dân tộc Mông, Thái, có độ tuổi trung bình từ 14-16 tuổi. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyệt thống ở Tuần Giáo có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ yếu vẫn do phong tục tập quán lạc hậu, mặc dù cấp ủy chính quyền địa phương và các các quan chuyên môn đã tuyên truyền vận động người dân xóa bỏ tình trạng này.

Bà Lò Thị Dung, Phó trưởng trạm y tế xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo cho biết: Trước tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn xã Quài Tở thì Trạm y tế xã chúng tôi cũng đã phối hợp với các đoàn thể của xã vào cuộc để tuyên truyền. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã cùng với đội ngũ cộng tác viên dân số để truyền thông, làm giảm tình trạng tảo hôn như hiện nay.

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn, huyện Tuần Giáo cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật hôn nhân và gia đình, tuyên truyền đề người dân nhận thấy được sự nguy hại của hôn nhân cận huyết thống. Trong đó tập trung tuyên truyền vào những đối tượng vị thành niên người dân tộc thiểu số, đặc biệt là học sinh trong các trường phổ thông. Ðây là những đối tượng có nguy cơ cao về tảo hôn nếu không được giáo dục kịp thời./.

                                                    

 

Minh Thư - Văn Hùng/DIENBIENTV.VN

.