Nghề rèn người Mông được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thứ Bảy, 21/10/2023, 21:04 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sáng 21/10, tại huyện Tủa Chùa, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề rèn của người Mông tỉnh Điện Biên. Đến dự có đồng chí Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Về phía tỉnh Điện Biên có đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

1
Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa và UBND tỉnh trao Giấy chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề rèn của người Mông tỉnh Điện Biên cho huyện Tủa Chùa.

Nghề rèn của người Mông tỉnh Điện Biên là Di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia theo Quyết định số 1406/QĐ-BVHTTDL ngày 1/6/2023.

Không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của đồng bào dân tộc Mông, sự ghi nhận và động viên xứng đáng của các cấp, các ngành đối với di sản và những chủ thể nắm giữ di sản cũng trở thành tiền đề, động lực quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt hơn nữa công tác giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc, khơi dậy ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc phát hiện, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình di sản văn hóa, văn hóa phi vật thể tại địa phương.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, nghề rèn của dân tộc Mông tỉnh Điện Biên được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, nâng tổng số 18 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh. Đây là kết quả rất đáng trân trọng và tự hào đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, tạo động lực để tiếp tục bảo vệ, lan toả và phát huy mạnh mẽ giá trị di sản văn hoá phi vật thể.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá các giá trị của di sản văn hoá phi vật thể; tạo điều kiện khuyến khích, động viên nghệ nhân, người thực hành và cộng đồng dân cư tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể; khuyến khích các gia đình, dòng họ dân tộc Mông tăng cường truyền dạy nghề rèn cho thế hệ trẻ; tăng cường tìm hiểu đầu ra, nâng cao giá trị cho các sản phẩm nghề rèn truyền thống của người Mông.

Đồng thời, tiếp tục lựa chọn các cá nhân tiêu biểu có nhiểu công sức đóng góp trong việc bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị các di sản văn hoá phi vật thể để đề nghị xét tặng các danh hiệu cao quý./.

 

 

Minh Trang - Đức Bình/DIENBIENTV.VN

 

.