Bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch
Điện Biên TV - Trong những năm qua, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch là hướng đi được nhiều địa phương trong cả nước quan tâm thực hiện. Tại Điện Biên, với cộng đồng 19 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Bởi vậy, nếu những giá trị văn hóa truyền thống này được quan tâm bảo tồn và phát huy đúng mức sẽ góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến tham quan, du lịch.
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương gắn phát triển du lịch với bảo tồn văn hóa, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã hình thành hệ thống các bản văn hóa du lịch cộng đồng. Trong đó, nổi bật và thu hút đông đảo du khách có thể kể đến như: Bản Che Căn, xã Mường Phăng; Bản Ten, xã Thanh Xương; Bản Mển, xã Thanh Nưa; Bản Phiêng Lơi, xã Thanh Minh. Cùng với đó, nhiều khu điểm du lịch, Homestay cũng hình thành để phục vụ nhu cầu trải nghiệm ngày càng đa dạng của du khách. Ngoài việc gìn giữ không gian văn hóa như cảnh quan, kiến trúc, nhà ở những nét văn hóa truyền thống về trang phục, ẩm thực, dân ca, dân vũ, nhạc cụ cũng được bảo tồn, phát huy để phục vụ phát triển du lịch.
Tỉnh Điện Biên có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng. Theo thống kê, tỉnh Điện Biên hiện có di sản nghệ thuật then Thái và nghệ thuật xòe Thái đã được UNESCO đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và 14 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Trong đó, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của tỉnh nhiều lễ hội đã được khôi phục và tổ chức thường niên như: Lễ hội Hoa Ban; Lễ hội thành Bản Phủ; Lễ cúng bản - Gạ ma thú của dân tộc Hà Nhì; Lễ cấp sắc - Tủ cải của người Dao quần chẹt; Tết Hoa của dân tộc Cống; Tết cổ truyền Nào Pê Chầu của dân tộc H’Mông... Đó chính là những không gian để những nét đẹp văn hóa truyền thống được bảo tồn, truyền lại.
Hiện nay, công tác bảo tồn văn hóa, phục vụ du lịch mới chỉ tập trung ở một số dân tộc, trong đó chủ yếu là dân tộc Thái. |
Ngoài ra, công tác mở lớp, truyền dạy các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian cũng được quan tâm, đẩy mạnh. Các câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng tăng mạnh về số lượng và ngày càng đi sâu vào chất lượng. Đó chính là những điều kiện thuận lợi để tỉnh Điện Biên khai thác phục vụ phát triển du lịch.
Bà Lò Thị Kim - Chủ nhiệm CLB Bảo tồn VHVN dân gian dân tộc Thái tỉnh Điện Biên cho biết: “Tôi mong muốn song hành phát triển du lịch cộng đồng cùng với câu lạc bộ; bảo tồn văn hóa, văn nghệ, tiếp nối đến thế hệ trẻ, bảo tồn những trò chơi dân gian như tung còn, đi cà kheo, viết chữ Thái cổ. Đó là những giá trị có từ xưa mà ngỡ như nhiều người đã quên lãng rồi nhưng mỗi khi giao lưu thì lại rất sôi động, đó là một niềm vui rất lớn. Tôi cũng mong muốn đó là sự khác biệt là điểm nhấn thu hút khách du lịch để trải nghiệm không gian văn hóa Thái. Câu lạc bộ sẽ là địa chỉ đáng tin cậy để du khách thỏa mãn mong mỏi của mình.”
Trong thực tế, để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch một cách hiệu quả, bên cạnh giải pháp của các ngành chức năng, chính quyền địa phương thì ý thức, trách nhiệm của chính người dân trong giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống đóng vai trò quan trọng.
Thêm nữa, hiện nay công tác bảo tồn văn hóa, phục vụ du lịch mới chỉ tập trung ở một số dân tộc, trong đó chủ yếu là dân tộc Thái. Trong khi đó, nhiều giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc khác mới dừng lại ở việc rà soát, kiểm kê mà chưa có giải pháp bảo tồn, phát huy hiệu quả. Bởi vậy, nhiều địa phương vẫn thiếu đi những sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc dân tộc bản địa, thiếu sức hút đối với du khách. Tỉnh Điện Biên có cộng đồng 19 dân tộc cùng sinh sống với đời sống văn hóa vô cùng phong phú, đặc sắc. Bởi vậy, một khi được quan tâm gìn giữ, bảo tồn đúng mức chắc chắn những giá trị, di sản văn hóa truyền thống ấy sẽ trở thành những sản phẩm du lịch thu hút du khách thập phương.
Chu Linh - Huy Long/DIENBIENTV.VN