Sôi nổi các hoạt động Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ 3
Điện Biên TV - Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III năm 2021 thu hút trên 3.000 khách mời, diễn viên, nghệ nhân, vận động viên đến từ 11 địa phương trong nước. Ngày hội có chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức từ ngày 24-26/12/2021 tại thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu. Đây là hoạt động thường niên được tổ chức 5 năm 1 lần nhằm bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc Mông gắn với phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế, xã hội.
Khai mạc Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ 3 tại tỉnh Lai Châu. |
Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tại tỉnh Lai Châu năm 2021, hội thi giã bánh giầy, một trong những hoạt động đặc sắc của văn hóa dân tộc Mông đã được tổ chức. Phần thi giã bánh giầy có sự tham gia của 10 đoàn, đại diện cho cộng đồng người Mông đến từ các tỉnh, thành trong cả nước.
Bánh giầy là sản phẩm đặc trưng truyền thống của người Mông. Đây là món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ tết và là biểu tượng cho tình yêu, sự thủy chung son sắt của con gái người Mông. Theo quan niệm của bà con dân tộc Mông, bánh giầy còn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài. Các đội thi đều muốn thể hiện rõ nét đẹp văn hóa trong cách làm bánh của địa phương mình.
Ngày nay dù đời sống người Mông đã phát triển và có sự giao thoa giữa các dân tộc khác, song người Mông vẫn gìn giữ và truyền dạy kỹ năng làm bánh giầy cho các thế hệ sau. Đó cũng là cách giáo dục, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước, góp phần lưu truyền cho thế hệ sau biết trân trọng và gìn giữ nét văn hóa cội nguồn dân tộc mình.
“Bánh giầy của dân tộc Mông chúng tôi thường giã vào những ngày lễ, tết. Chúng tôi thường mang đi cầu tổ tiên, cầu mong những điều may mắn, cầu mong cho mọi người có một sức khỏe tốt nhất.” – ông Giàng Vàng Páo, đoàn tỉnh Lai Châu, nói.
Thi giã bánh giầy tại Ngày hội. |
Đoàn tỉnh Điện Biên mang đến Ngày hội với trích đoạn Tết Nào Pê Chầu. Bằng hình thức sân khấu hóa, các diễn viên quần chúng dân tộc Mông đã tái hiện lại hết sức sinh động các thủ tục của lễ cúng, thể hiện rõ nét độc đáo trong đời sống tâm linh của người Mông, quan điểm về giá trị của cuộc sống, sự coi trọng gia đình, dòng họ và thể hiện lòng tôn kính, biết ơn với các thế hệ cha ông.
Bà Ly Thị Nhè, đoàn tỉnh Điện Biên, cho biết: “Đến với Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III, chúng tôi giới thiệu Lễ Nào Pê Chầu của dân tộc Mông đến với tất cả bà con nhân dân. Lễ Nào Pê Chầu của dân tộc Mông rất quan trọng, lễ này chúng tôi làm vào chiều 30; nếu không làm lễ Nào Pê Chầu này thì sang năm mới mùng 1 chúng tôi sẽ không được đi chơi.”
Các trích đoạn lễ hội của đồng bào dân tộc Mông của các tỉnh, thành có sự kết hợp tốt nhất giữa truyền thống và hiện đại, giữa bối cảnh cổ truyền và bối cảnh sân khấu hóa. Đặc biệt có sự đan xen một cách khéo léo giữa các nghệ nhân dân gian làm nòng cốt với các diễn viên đã tăng thêm tính nghệ thuật trong từng nội dung, thể hiện đậm nét đặc trưng của đồng bào vẫn bảo lưu được cơ bản, toàn vẹn. Mỗi trích đoạn lễ hội của mỗi đoàn đều có ý nghĩa sâu sắc vì nghi lễ của đồng bào Mông nói riêng của các dân tộc Việt Nam nói chung đều có ý nghĩa tâm linh nhất định.
Các nghệ nhân người Mông vẽ họa tiết hoa văn lên vải trước khi thêu, may một bộ trang phục hoàn chỉnh. |
Phần trình diễn trang phục dân tộc và liên hoan nghệ thuật quần chúng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Trang phục và các tiết mục biểu diễn của mỗi tỉnh là những sắc thái văn hóa đặc trưng riêng trong khối thống nhất, đem đến cho các đại biểu và khán giả hiểu hơn về con người, văn hóa của cộng đồng dân tộc Mông trên cả nước. Tính đa dạng văn hóa là đặc điểm nổi bật. Biểu diễn nghệ thuật như một tổng kiểm kê các di sản nghệ thuật, lễ hội. Hầu hết các di sản về dân ca, dân vũ, dân nhạc Mông đều có ở Liên hoan. Riêng đối với trang phục truyền thống thể hiện sắc thái riêng của dân tộc Mông ở mỗi tỉnh mang đến ngày hội.
Trong khuôn khổ Ngày hội, các nghệ nhân, vận động viên còn tham gia tranh tài ở nhiều môn thể thao truyền thống của dân tộc Mông như tù lu, bắn nỏ, kéo co, đặc biệt là trình diễn múa khèn, thổi sáo, ném pao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông.
Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”, các nghệ nhân người Mông các tỉnh đã tham gia nhiều hoạt động văn hóa như trải nghiệm không gian trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch; thi giã bánh giầy; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa dân tộc Mông; liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc Mông và các trò chơi, thể thao truyền thống.
Ngày hội văn hóa cũng là dịp để cộng đồng dân tộc Mông khắp nơi tề tựu về đây giao lưu, học hỏi cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của từng địa phương; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đồng thời giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông tới bạn bè và quốc tế.
Tuấn Trung - Tiến Dũng/DIENBIENTV.VN