Người "giữ lửa" làn điệu dân ca dân tộc Thái
Điện Biên TV - Với vai trò là người “giữ lửa”, những nghệ nhân luôn mong muốn gìn giữ vẹn nguyên hồn cốt, tinh hoa của di sản văn hóa phi vật thể mà họ gắn bó gần như cả cuộc đời. Chính họ cũng sẽ là những người đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy các di sản văn hóa đó tới thế hệ tiếp theo.
Khỏe khoắn, ngân vang và trong trẻo cuốn hút lòng người là nhận xét của những khán giả đã có dịp được nghe giọng hát của nghệ nhân ưu tú Lường Thị Song, bản Co Củ, xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ. Bà Song kể: Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã được đắm mình trong các làn điệu dân ca Thái, biết ghi nhớ từng lời và hát theo những điệu khắp của ông bà, cha mẹ. Rồi cứ như thế tình yêu với lời khắp ngày càng lớn dần lên, với bà, hát dân ca chính là để giữ gìn tiếng mẹ đẻ, tiếng nói của dân tộc mình.
Nghệ nhân Lường Thị Song không chỉ ứng tác được nhiều bài hát theo các làn điệu dân ca, mà còn thể hiện được các trường ca dân tộc dài hàng nghìn câu như: Tản chụ xống xương, trường ca Xống Chụ Xon Xao… Thường xuyên tham gia các cuộc thi, Liên hoan tiếng hát dân ca toàn quốc và trên địa bàn tỉnh tổ chức, bà Song đã có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn dân ca, dân nhạc của tỉnh, của Hội Văn học dân gian Việt Nam.
Nghệ nhân Lường Thị Song truyền dạy cách hát các làn điệu dân ca Thái cho chị em phụ nữ dân tộc Thái. |
Không chỉ đi biểu diễn dân ca ở nhiều nơi, những năm gần đây hiểu được sức mạnh của truyền thông và sức lan tỏa thông tin nhờ mạng internet, nghệ nhân Song còn tìm hiểu cách quảng bá dân ca Thái trên internet. Trên các trang mạng xã hội như: Facebook hay Youtube, nickname Song Lường đã thu hút hàng nghìn người theo dõi, mến mộ.
Đồng bào Thái ở Điện Biên còn lưu truyền nhiều làn điệu dân ca đặc sắc. Các làn điệu này được diễn xướng trong những hoàn cảnh khác nhau như: hát ru, đồng dao, hát thơ, hát giao duyên, hát mời rượu, mừng năm mới, hát đối đáp trong đám cưới… Mỗi làn điệu có mỗi cách cuốn hút khác nhau. Đó là những bài học và những quan niệm sống mang ý nghĩa nhân sinh cao cả, là kết tinh của tâm hồn dân tộc.
Để góp phần bảo tồn các làn điệu dân ca ấy, nghệ nhân Lường Thị Song không chỉ dùng tiếng hát và tài biểu diễn của mình để đưa dân ca dân tộc đi nhiều nơi, bà còn ấp ủ những dự định nhằm bảo tồn và trao truyền vốn cổ tới các thế hệ kế tiếp. “Giới trẻ bây giờ không chú trọng việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình, thế nên tôi rất sợ theo thời gian mọi thứ sẽ bị mai một. Chính vì thế, tôi muốn dạy cho các cháu sau này giữ gìn được bản sắc dân tộc của mình, lời ca tiếng hát của mình.” - nghệ nhân Lường Thị Song, chia sẻ.
Ngoài ra, nghệ nhân Song còn rất chú trọng tới việc truyền dạy văn hóa dân tộc mình cho thế hệ trẻ. |
Với nhiều hoạt động có ý nghĩa, đóng góp hiệu quả cho việc bảo tồn, truyền giữ dân ca dân tộc Thái, năm 2019, nghệ nhân Song vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú; bà cũng được Hội văn học dân gian Việt Nam tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam.
Dù cuộc sống bản làng của đồng bào các dân tộc có nhiều thay đổi, hơi thở hiện đại đã thấm qua những cánh rừng đại ngàn, nhưng vai trò của những người như bà Lường Thị Song đối với văn hóa, đời sống của cộng đồng các dân tộc vẫn không thể thiếu. Họ chính là sợi dây kết nối cộng đồng, kết nối quá khứ và hiện tại, bảo tồn những di sản văn hóa của dân tộc./.
Phương Dung - Bùi Tiến/DIENBIENTV.VN