Gói bánh chưng ngày Tết – Nét đẹp văn hóa Việt
Điện Biên TV - “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ - Cây nêu, tràng pháo bánh chưng xanh”... Trong câu đối quen thuộc khi nói về sản vật đặc trưng ngày Tết, chiếc bánh chưng xanh luôn mang giá trị tinh thần không thể thiếu của dân tộc Việt Nam. Mỗi dịp Tết đến xuân về, quây quần gói bánh chưng, trông bánh bên bếp lửa đã trở thành một tập quán, nét đẹp văn hóa của các gia đình Việt.
Với người dân Việt Nam, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, trong nhà nếu thiếu những chiếc bánh chưng xanh, chắc hẳn không khí Tết cổ truyền sẽ không được trọn vẹn.
Vào những ngày giáp Tết, phong tục gói bánh chưng được nhiều gia đình duy trì và gìn giữ như một nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời.
Với gia đình ông Trần Đình Hoạt ở tổ 8, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ, hoạt động này lại càng thêm ý nghĩa bởi đây là dịp cả gia đình gồm 4 thế hệ với hơn 60 người con, cháu, chắt từ mọi nơi được trở về quây quần bên gia đình, cùng nhau gói bánh chưng, ngồi trông nồi bánh trên bếp lửa để cảm nhận không khí Tết đang ùa về cùng tình cảm gia đình ấm áp.
Mỗi khi Tết đến xuân về, gia đình ông Hoạt, tổ 8, phường Him Lam lại quây quần cùng nhau gói bánh chưng xanh. |
Chị Trần Thị Nhung, con gái ông Hoạt chia sẻ: “Truyền thống gia đình tôi rất nhiều năm nay luôn tổ chức gói bánh chưng cho tất cả các con, cháu. Đơn giản không chỉ là chiếc bánh, mà là nơi để gia đình đoàn tụ sau một năm làm việc. Cảm thấy rất vui, các thành viên được gắn kết với nhau hơn, các con cháu cũng rất vui vẻ và hào hứng khi được học gói bánh.”
Để làm ra được một chiếc bánh chưng truyền thống đẹp mắt và thơm ngon, với những nguyên liệu chính rất gần gũi bao gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn... đòi hỏi bàn tay khéo léo gói gọn lại thành chiếc bánh chưng xanh vuông vắn.
Chính vì vậy, đối với nhiều người, việc học hỏi từ các thế hệ trước để tự tay mình gói được một chiếc bánh truyền thống này là điều vô cùng ý nghĩa.
Ngay cả các cháu của ông Hoạt cũng rất hào hứng với hoạt động mang tính truyền thống của gia đình. |
“Chiếc bánh chưng nhìn thì rất đơn giản, nhưng để làm ra một chiếc bánh ngon phải trải qua rất nhiều khâu, mà khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Chúng tôi từ nhỏ đã được bố dạy cho kỹ thuật gói bánh làm sao cho vuông vức, rồi canh lửa như thế nào để chiếc bánh được rền, được ngon. Gia đình cứ giữ truyền thống như thế này hết đời này sang đời khác.” – chị Hoa, một người con khác của ông Hoạt nói.
Nếu như bánh cổ truyền mang hình dáng vuông vắn, thì đối với đồng bào dân tộc Thái, bánh chưng mang một hình dáng khác với tên gọi là bánh gù.
Bánh gù của người Thái được gói với phần lưng lồi lên giống như hình đỉnh núi và được bao quanh bởi các đường lạt chạy ngang thân bánh. Đây cũng là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của đồng bào dân tộc Thái, làm nên hương vị, không khí cho bữa cơm gia đình thêm ấm cúng.
Giống như bánh chưng, bánh gù là thứ không thể thiếu trong ngày Tết của đồng bào dân tộc Thái. |
Theo bà Quàng Thị Yêu, hiện sinh sống tại bản Hoong En, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ: Các nguyên liệu để gói bánh gù cũng giống như bánh chưng truyền thống, chỉ khác về hình dáng. Ngày xuân, các thành viên trong gia đình bà lại quây quần bên nhau chẻ lạt, rửa lá rong, thái thịt, vo gạo,… và gói bánh, nấu bánh, không khí rất đầm ấm, sum vầy.
Nhịp sống hiện đại ngày nay tuy có phần bận rộn hơn, tuy nhiên ẩn sâu trong chiếc bánh chưng ngày Tết vẫn mang rất nhiều ý nghĩa. Giờ đây, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy và thưởng thức bánh chưng quanh năm. Nhưng có lẽ chỉ vào dịp Tết Nguyên đán, khi cùng trở về quây quần bên gia đình gói và ăn bánh chưng, cảm giác đó khó có thể tìm thấy vào dịp nào khác trong năm. Đó là hương vị của không khí đoàn tụ, tình cảm gia đình ấm áp, hương vị của Tết cổ truyền đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người con đất Việt./.
Minh Trang – Bùi Tiến