Điện Biên

Phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch

Thứ Bảy, 06/07/2019, 06:20 [GMT+7]

Điện Biên TV - Điện Biên có 19 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có những nét văn hóa đặc trưng riêng tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu. Đồng thời, Điện Biên cũng có hệ thống 22 di tích, danh thắng đã được xếp hạng (1 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, 13 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 8 di tích được xếp hạng cấp tỉnh), 8 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia... Đây được coi là các thế mạnh để Điện Biên phát triển các loại hình du lịch lịch sử, sinh thái nghỉ dưỡng, văn hóa, tâm linh và là những nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, cần phải được bảo vệ và khai thác một cách hiệu quả, bền vững.

f
Nhiều lễ hội truyền thống của các dân tộc tỉnh Điện Biên đã được bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị khai thác trong du lịch

 

Tạo đà phát triển du lịch

Thực tế cho thấy, khách du lịch đến Điện Biên không chỉ tìm hiểu về lịch sử địa phương, truyền thống yêu nước, cách mạng thông qua các di tích lịch sử, di tích khảo cổ, di tích kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh... mà họ còn có nhu cầu trải nghiệm, tham quan, tìm hiểu về di sản văn hóa của 19 dân tộc đang cư trú và sinh sống tại tỉnh. Chính vì vậy, trong những năm qua, vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển lĩnh vực du lịch nói riêng đã được tỉnh Điện Biên chú trọng triển khai.

Cụ thể, Ban Chấp hành Đảng tỉnh khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chương trình bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 03-NQ/TƯ về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong đó có tập trung hoàn thành nhiệm vụ chung đó là “Phấn đấu đến năm 2025 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững, có tính chuyên nghiệp với hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đậm bản sắc văn hoá các dân tộc tỉnh Điện Biên.

Song song với đó, nhiều lễ hội truyền thống đã được bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị khai thác trong du lịch, tiêu biểu như: Lễ hội Hoa Ban; Lễ hội đua thuyền đuôi én; Xên bản của dân tộc Thái; Lễ tết cổ truyền “Nào Pê Chầu” của dân tộc Mông; lễ hội “Cầu Mưa”, Lễ cúng bản dân tộc Khơ Mú; "Lễ cúng bản" (Gạ Ma Thú) của dân tộc Hà Nhì; lễ "Bun Huột Nặm" (Tết té nước) dân tộc Lào; "Lễ Nhảy lừa" của dân tộc Dao...

Cùng với đó là nét đặc sắc của đồng bào các dân tộc trong phong tục tập quán, trang phục, nghề truyền thống; các trò chơi dân gian, các món ăn truyền thống; dân ca, dân vũ, dân nhạc trong đó tiêu biểu nhất là nghệ thuật Xòe Thái, nghệ thuật Then được lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Dấu ấn mới của du lịch Điện Biên

Từ những việc làm trên đã góp phần quan trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; tạo tiền đề để xây dựng nên nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo lợi thế cạnh tranh cho du lịch của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Điện Biên theo hướng bền vững, được thể hiện qua những con số: Năm 2018, Điện Biên đón khoảng 705 ngàn lượt khách, tăng 527 ngàn lượt khách so với năm 2004; trong đó khách quốc tế ước đạt 151 ngàn lượt, tăng 141 ngàn lượt so với năm 2004.

Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt trên 1.155 tỷ đồng, tăng 1.124,6 tỷ đồng so với năm 2004. Số ngày lưu trú bình quân khách nội địa và quốc tế đạt 2,4 ngày/người, tăng 80% so với số ngày lưu trú bình quân năm 2004. Giải quyết việc làm cho trên 14 ngàn lao động trong toàn tỉnh, trong đó có khoảng 6 ngàn lao động trực tiếp và 8 ngàn lao động gián tiếp.

v
Trong 6 tháng đầu năm 2019, lượng khách đến Điện Biên ước đạt 586.100 lượt, đạt 70,6% so với kế hoạch năm. (Trong ảnh: Khách du lịch tham quan Hầm Đờ-cát)

 

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, lượng khách đến Điện Biên ước đạt 586.100 lượt, đạt 70,6% so với kế hoạch năm, tăng 19,5 % so với cùng kỳ 2018; trong đó khách quốc tế đạt 109.900 lượt, đạt 61% so với kế hoạch năm, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập từ hoạt động du lịch ước đạt 855,8 tỷ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm, tăng gần 33% so với cùng kỳ năm trước.

Đồng chí Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Những kết quả thu được từ du lịch, dịch vụ là không nhỏ, trong đó đáng kể là hỗ trợ tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống; tăng cường hiểu biết, tôn trọng đa dạng và giao thoa các nền văn hóa, làm cơ sở hình thành quy tắc ứng xử phù hợp giữa người dân với khách du lịch và với di sản.

Một phần doanh thu từ du lịch di sản được quay trở lại tái đầu tư vào việc bảo tồn, tôn tạo, tôn vinh, phục dựng và quản lý di sản đã tác động tích cực tới nhận thức, tới hành động của chính quyền và người dân... Với những tác động đó, du lịch di sản đóng góp to lớn cho bảo tồn và phát huy bền vững di sản văn hóa.

Có thể nói, du lịch gắn với di sản văn hóa đang ngày càng phát triển, trở thành một loại hình du lịch quan trọng trong “ngành công nghiệp không khói” của tỉnh Điện Biên. Đây là loại hình du lịch đặc biệt luôn có sức hấp dẫn với du khách gần xa, trở thành ngành dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng thể nền kinh tế của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tỉnh Điện Biên trong giai đoạn hiện nay./.

 

 

Diệp Xuân/DIENBIENTV.VN

.