Điện Biên

Cần bảo vệ di tích, di sản văn hóa bằng biện pháp thiết thực

Thứ Ba, 11/06/2019, 14:45 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tỉnh Điện Biên thống kê được hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể và hàng chục di tích được xếp hạng. Mỗi di tích hay di sản văn hóa phi vật thể ấy đều mang giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật riêng và có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc Điện Biên. Việc gìn giữ và phát huy giá trị của các di tích, di sản là điều cần thiết. Tuy nhiên, nhiều di tích, di sản sau khi được công bố, xếp hạng lại bị lãng quên và có nguy cơ mai một. Địa phương nơi có di tích, di sản được xếp hạng cũng chưa có cách quản lý, bảo vệ hiệu quả các di tích.

Theo thống kê của Sở VHTT&DL, đến nay Điện Biên có 22 di tích được xếp hạng và có 690 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê. Các di tích được xếp hạng và di sản văn hóa phi vật thể được lưu truyền trong dân gian, không chỉ mang những giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, mà còn là tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh. Tuy nhiên nhiều di tích, di sản văn hóa phi vật thể sau khi được công bố, xếp hạng lại chưa được quan tâm bảo vệ, gìn giữ và phát huy.

1
Nghệ thuật tạo hoa văn bằng sáp ong trên trang phục của người Mông hoa ở huyện Mường Chà được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

 

Năm 2018, Nghệ thuật tạo hoa văn bằng sáp ong trên trang phục của người Mông hoa ở huyện Mường Chà được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đã hơn một năm, kể từ khi di sản này được công nhận và công bố, chúng tôi tìm đến các bản Cổng trời và bản Sa Lông 1, xã Sa Lông, huyện Mường Chà để tìm hiểu về nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong, tuy nhiên điều mà chúng tôi nhận thấy là nghệ thuật này chưa được gìn giữ, bảo tồn bằng biện pháp nào cụ thể.

Tạo hoa văn bằng sáp ong trên thổ cẩm người Mông ở Sa Lông hiện nay chỉ còn một vài người lưu giữ. Bà Giàng Thị Dợ ở Bản Sa Lông 1, xã Sa Lông, huyện Mường Chà, chia sẻ bà giữ những chiếc váy cũ bằng vải lanh có hoa văn được tạo theo cách truyền thống như giữ những vật báu. Đó là trang phục cổ truyền của người Mông hoa, do những phụ nữ thế hệ trước tự dệt, tự vẽ họa tiết, thêu hoa văn và khâu may làm nên. Thế hệ phụ nữ Mông khoảng 70 - 80 tuổi ở bản Sa Lông này, ai cũng biết tạo hoa văn trên sáp ong, nhưng giờ đây không có ai biết làm nữa.

Bà Giàng Thị Dợ ở Bản Sa Lông 1, xã Sa Lông, huyện Mường Chà cho biết: Trước kia còn trồng lanh, trồng cây chàm để làm vải, nhưng bây giờ không có nữa rồi. Trẻ bây giờ thì không ai biết làm nữa, khó làm với không còn cây nữa. Giờ phải đi làm nương nhiều, làm cái này lâu lắm, mua vải về may thôi.

Cấp bằng công nhận và công bố di sản phi vật thể cấp quốc gia được cho là cách để tôn vinh và bảo tồn nghệ thuật tạo hoa văn bằng sáp ong trên thổ cẩm của đồng bào Mông, nhưng sau khi di sản này được công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia thì, nguy cơ mai một đã hiện diện.

Ông Hạng Phử Lù, Chủ tịch UBND xã Sa Lông, huyện Mường Chà cho biết: Nghệ thuật tạo hoa văn bằng sáp ong trên trang phục người Mông trên địa bàn xã đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, nhưng đến nay địa phương cũng chưa có hoạt động gì để khôi phục hay  truyền lại cho thế hệ sau. Xã không có kinh phí để tổ chức hoạt động này. Đến nay thì vẫn chỉ có một số người già biết vẽ hoa văn này thôi, sáp ong và các nguyên liệu giờ người ta cũng không sử dụng nên rất khó. Các cụ đi rồi thì sẽ không còn ai biết nữa.

Điện Biên đã có 8 di sản phi vật thể được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó 6 di sản là lễ hội văn hóa truyền thống, 2 di sản khác là hai loại hình nghệ thuật dân gian gồm: Nghệ thuật xòe Thái và nghệ thuật tạo hoa văn bằng sáp ong trên thổ cẩm người Mông.

Những năm gần đây các chương trình quảng bá văn hóa du lịch của tỉnh, đã giúp cho một số lễ hội văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Điện Biên được phụ dựng, tuy nhiên vẫn còn hàng trăm di sản văn hóa trong dân gian đã và đang bị mai một, ngay cả với một số di sản đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Không chỉ có nhiều di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn, phát huy giá trị, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được xếp hạng của Điện Biên cũng rất cần được quan tâm bảo vệ kịp thời. Ngoài quần thể Di tích quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ, Điện Biên còn có 21 di tích khác được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Các di tích như: Hang Thẩm Khương, thẩm Púa, thành Tam Vạn, thành Bản Phủ, tháp Mường Luân, di tích Pú Nhung, là những di tích quốc gia, có giá trị lịch sử, nghệ thuật và có liên quan đến tín ngưỡng dân gian. Những di tích như: Động Pa Thơm, quần thể hang động Xá Nhè, hang Khó Chua La, là các danh lam, thắng cảnh có cảnh quan thiên nhiên độc đáo, có giá trị khoa học về địa chất và đa dạng sinh học. Là những di tích được xếp hạng nhưng không ít di tích chưa được quan tâm, bảo vệ đúng cách.

Mới đây, xã Pa Ham, huyện Mường Chà, long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia cho hệ thống hang động Huổi Cang và Huổi Đáp. Nằm trên dãy Pom Thẳm Bẻ soi bóng sông Nậm Mức với những cụm rừng tái sinh và các hệ sinh thái đa dạng, hệ thống hang động này là di tích thắng cảnh độc đáo hãy còn nguyên sơ. Sau khi được trao Bằng di tích quốc gia, hang động này được UBND huyện Mường Chà bàn giao cho xã Pa Ham quản lý và bảo vệ.

1
Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia cho hệ thống hang động Huổi Cang và Huổi Đáp ở xã Pa Ham, huyện Mường Chà

 

Ông Nguyễn Minh Phú, Chủ tịch UBND, huyện Mường Chà cho biết: Quần thể hang động Huổi Cang, Huổi đáp có ý nghĩa khoa học, địa chất và văn hóa. Công nhận là di sản quốc gia là bước đầu tiên để quần thể hang động này được bảo vệ tốt. Huyện đã giao cho UBND cấp xã nơi có quần thể hang động này quản lý, bảo vệ, tới đây sẽ có cơ chế, chính sách phát huy ý nghĩa của di sản.
 
Các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được xếp hạng di tích quốc gia là niềm tự hào với mỗi địa phương. Tuy nhiên nhìn vào cách giao cho địa phương quản lý các di tích như trên đây, chúng ta có thể thấy cơ chế quản lý di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của các địa phương còn lỏng lẻo. Thiếu cơ chế riêng cho việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các di tích có thể bị lãng quên, bị xâm hại hoặc xuống cấp.

Nhiều di tích lịch sử và các danh lam thắng cảnh như: Di tích hang Thẩm Khương, Thẩm Púa ở xã Chiềng Đông; di tích Pú Nhung ở xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo; di tích động Pa Thơm của huyện Điện Biên; hang động Xá Nhè của huyện Tủa Chùa, vì không được quan tâm nên nơi thì trở nên quạnh hiu không ai biết đến, nơi lại bị tác động khiến cảnh quan tự nhiên thay đổi không cứu vãn.           

Di sản văn hóa, di tích lịch sử và cảnh quan thiên nhiên đang được coi là vốn quý giúp Điện Biên quảng bá văn hóa, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để những vốn quý này không bị mai một, việc đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể và xếp hạng các di tích là điều cần thiết, tuy nhiên ngay sau đó cũng cần có cơ chế, chính sách và các biện pháp cụ thể, kịp thời để địa phương gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích, di sản đã được công nhận.


                                                                               

 

Minh Giang – Tiến Thế/DIENBIENTV.VN

.