Trăn trở nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lào

Thứ Ba, 04/04/2017, 16:17 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nghề dệt thổ cẩm được xếp vào một trong các di sản văn hóa phi vật thể của người dân tộc Lào sinh sống tại Điện Biên. Thổ cẩm dân tộc Lào nổi bật bởi những nét hoa văn tinh xảo, mang ý nghĩa nhân sinh quan sâu sắc. Phụ nữ dân tộc Lào, những người làm nên loại thổ cẩm giàu sức cuốn hút này, luôn mong muốn thổ cẩm của họ mở rộng được thị trường tiêu thụ.

Bà Lò Thị Bun ở bản Na Sang II – xã Núa Ngam – huyện Điện Biên,  bên khung dệt thổ cẩm bà tâm sự: Bà không nhớ rõ mình biết dệt thổ cẩm từ khi nào. Chỉ nhớ, khoảng năm 11 – 12 tuổi, mẹ của bà bắt đầu dạy bà cách dệt các hoa văn từ đơn giản đến phức tạp. Cho tới nay Phụ nữ dân tộc Lào ở hai bản Na Sang I và Na Sang II, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, vẫn mặc váy thổ cẩm truyền thống do chính tay họ dệt. 

1
Bà Lò Thị Bun bên khung dệt thổ cẩm của gia đình

 

Người dân tộc Lào đến Điện Biên sinh sống từ cách đây khoảng hơn 300 năm. Nhiều thế kỷ đã trôi qua, nghề dệt thủ công truyền thống của họ vẫn luôn được gìn giữ. Để tiếp sức cho nghề dệt thổ cẩm của bà con ở đây, một dự án phi chính phủ đã giúp họ thành lập HTX dệt thổ cẩm và kết nối họ với một số khách hàng. Được tiếp sức, chị em phụ nữ dân tộc Lào bản Na Sang II cũng đã nỗ lực khôi phục lại từ chiếc khung dệt đến kỹ thuật se tơ, dệt vải và thuộc lòng hàng trăm loại hoa văn truyền thống.
          
HTX dệt thổ cẩm Na Sang II được hỗ trợ 8 khung dệt thủ công. Những ngày đầu hoạt động chị em tổ chức dệt tập trung, nhưng do sản phẩm bán ra thị trường còn ít, chị em chỉ tranh thủ dệt vào thời điểm nông nhàn, nên họ nhận đầu sản phẩm và tự dệt ở nhà.

1
 Được tiếp sức, chị em phụ nữ dân tộc Lào bản Na Sang II cũng đã nỗ lực khôi phục lại từ chiếc khung vải thổ cẩm truyền thống.

 

Gia đình nào ở bản Na Sang II cũng có từ 1 đến 2 khung dệt vải. Chị em phụ nữ vừa dệt sản phẩm đặt hàng của HTX, vừa dệt vải để may trang phục truyền thống cho chính mình. Để có một tấm thổ cẩm đẹp với nhiều loại hoa văn rực rỡ, một phụ nữ Lào phải mất hàng tuần, có khi hàng tháng mới dệt xong.

Do nguyên liệu sợi bông, sợi tơ tằm và các loại màu nhuộm tự nhiên không nhiều, để sản xuất đủ số lượng sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng, họ vẫn phải sang bên kia biên giới, nước CHDCNH Lào để mua tơ, sợi và màu nhuộm. Công dệt mất nhiều, nguyên liệu nhập ảnh hưởng khá nhiều đến giá thành sản phẩm.

Một chiếc túi thổ cẩm dân tộc Lào, rộng 20 cm, dài 30 cm có giá 200 nghìn đồng. Một mét vải thổ cẩm khổ rộng 60 cm có họa tiết hoa văn giá 220 nghìn đồng. Khăn thổ cẩm tùy vào họa tiết hoa văn và chất liệu sợi dệt, có giá từ 200 nghìn đến 600 nghìn đồng.

Mặc dù được tạo điều kiện tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại và du lịch, nhưng thổ cẩm dân tộc Lào vẫn chưa tìm được thị trường tiêu thụ. Bởi giá thành cao, sản phẩm của HTX làm ra khó tiêu thụ thị trường nội tỉnh, mà chủ yếu cung cấp cho một số đơn vị đặt hàng do dự án phi chính phủ trước đây kết nối.

1
Sản phẩm của HTX làm ra khó tiêu thụ thị trường nội tỉnh, mà chủ yếu cung cấp cho một số đơn vị đặt hàng nhỏ lẻ

 

Chị em phụ nữ ở bản Na Sang II đã rất nỗ lực để khôi phục nghề dệt truyền thống, tuy nhiên đây vẫn chưa thực sự trở thành ngành nghề đem lại thu nhập chính cho họ. Chị em luôn mong muốn được các ngành chức năng hỗ trợ, để sản phẩm của họ mở rộng được đối tượng khách hàng tiêu thụ và có chỗ đứng trên thị trường.
 
Nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lào xã Núa Ngam đã và đang được khôi phục, lưu giữ bởi tâm huyết của chị em bản Lào. Nhưng sản phẩm thổ cẩm của họ cần được hỗ trợ để mở rộng thị trường tiêu thụ. Đầu ra cho sản phẩm chính là yếu tố quyết định giúp nghề dệt truyền thống của họ được duy trì và phát triển bền vững.
                                                                             

 

Minh Giang 

 

.