Trò chơi dân gian trong đời sống đồng bào các dân tộc Điện Biên

Thứ Ba, 04/04/2017, 09:17 [GMT+7]

Điện Biên TV- Trò chơi dân gian của các dân tộc là một trong những di sản văn hóa được lưu truyền lại qua các thế hệ. Các trò chơi thường được sáng tạo và xuất phát từ cuộc sống lao động, sản xuất của chính người dân. Các trò chơi vừa là hình thức vận động để rèn luyện sức khỏe, vừa là hình thức vui chơi giải trí trong các dịp lễ, tết, ngày hội... 

Điện Biên hiện có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc thể hiện nét độc đáo riêng biệt. Đặc biệt, xuất phát từ đặc điểm sinh sống tại rừng núi, cuộc sống vừa phụ thuộc, gắn liền vừa đương đầu với thiên nhiên và các yếu tố tự nhiên. Bởi vậy, bên cạnh đời sống tâm linh tôn sùng thiên nhiên và các yếu tố thần sông, suối, rừng, núi...Đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh ta còn có một kho tàng các trò chơi dân gian độc đáo, tiêu biểu như: ném còn, đánh Tù lu, đẩy gậy, bắn nỏ, đi cà kheo, giã bánh dày, tó má lẹ..v.v.

1
Trò chơi giã bánh giày của đồng bào dân tộc Mông, trong dịp lễ tết, thờ cúng tổ tiên bánh giày là thứ không thể thiếu của mỗi gia đình và dòng họ.

 

Mỗi trò chơi của các dân tộc tuy có ý nghĩa, cách chơi khác nhau nhưng tựu chung các trò chơi đều có xuất phát từ cuộc sống lao động, sản xuất hàng ngày của đồng bào và phục vụ mục đích vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe, tăng cường đoàn kết cộng đồng. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập hiện nay do nhiều yếu tố khác nhau, các giá trị văn hóa truyền thống nói chung và các môn thể thao, trò chơi dân gian nói riêng đang có nguy cơ bị mai một, thay vào đó là các trò chơi, trò giải trí hiện đại. Chính vì vậy, yêu cầu bảo tồn, phát triển các trò chơi gìn giữ cho thế hệ mai sau được đặt ra một cách nghiêm túc.

Mùa xuân đến khi "Tiếng khèn ai như cánh chim trời chao liệng, cho khăn piêu đỏ thắm rừng hoa, quả còn bay theo đường con tim mách bảo, để ra về lòng dạ nhớ nao nao, cô gái Mông cùng chồng xuống chợ, lúc ra về người ngựa cũng say say". Lễ tết, hội xuân, ngày hội thể thao văn hóa các dân tộc từ cấp tỉnh, đến cấp huyện, xã và các sinh hoạt cộng đồng của mỗi thôn bản chính là không gian nuôi dưỡng, bảo tồn các trò chơi dân gian.

Trong những năm gần đây, xuất hiện trong các sự kiện văn hóa lễ hội cấp tỉnh như Lễ hội hoa ban các trò chơi dân gian đã đến gần hơn với du khách thập phương. Một trong những trò chơi thu hút được nhiều sự quan tâm của mọi người là thi giã bánh giày. Truyền thuyết xưa kể rằng có chàng trai người Mông tên là Plai có người yêu rất đẹp, đẹp đến nỗi thần hổ cũng đem lòng yêu và về bản bắt đi. Chàng plai buồn rầu quyết định lên đương tìm người yêu. Trong hành trang mang theo có những chiếc bánh làm từ thứ gạo ngon nhất bản. Gạo nếp được nấu lên, rồi giã nhuyễn, nặn thành bánh để làm lương thực đi đường. Vượt qua núi cao, rừng sâu, qua bao khó khăn khỏ ải chàng đã tìm được nơi ở của thần hổ Cảm động trước tình yêu cao cả của chàng Plai, thần Hổ đã trả lại người yêu cho chàng. Từ đó, chiếc bánh dày đã trở thành biểu tượng của tình yêu chung thuỷ của trai gái người Mông và trò chơi giã bánh giày cũng bắt nguồn từ đó. Theo quan niệm của đồng bào, bánh dày còn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài. Trong dịp lễ tết, thờ cúng tổ tiên bánh giày là thứ không thể thiếu của mỗi gia đình và dòng họ.
 
Bánh dày của người Mông được làm rất công phu, nguyên liệu chính là gạo nếp. Sau khi được đồ chín, xôi được cho vào cối để giã. Cối giã bánh thường được làm bằng thân cây gỗ trắc có mùi thơm còn chày được làm tự loại gỗ cứng và nặng. Bởi vậy, đảm trách việc giã bánh dày là công việc của đàn ông trai tráng. Âm thanh thậm thịch và mùi hương nồng đượm là đặc trưng riêng của giã bánh dày. Khi xôi được giã nhuyễn và dẻo quánh cũng là lúc các bà, các chị với bàn tay khéo léo sẽ nặn những chiếc bánh dày đầy đặn, tròn trịa. Để có được chiếc bánh dày vừa đẹp, vừa dẻo, vừa ngon cũng đòi hỏi người làm phải có những hiểu biết và kỹ thuật nhất định.
 

1
Trong những dịp lễ tết, ngày hội của đồng bào Mông không thể thiếu trò đánh tù lu

 

Trong những dịp lễ tết, ngày hội của đồng bào Mông không thể thiếu trò đánh tù lu. Theo tiếng Mông, đánh quay được gọi là Tầu tù lu. Đây là một trò chơi dân gian đặc sắc thể hiện tinh thần thượng võ của đồng bào. Để chơi trước hết phải chuẩn bị con quay và dây quay. Con quay thường được đẽo, gọt bằng những loại gỗ cứng như gỗ nghiến, gỗ lim. Còn dây quay thường được se bằng sợi lanh, tùy người chơi có thể chơi dây quay không hoặc buộc vào một đoạn gậy dài độ nửa mét. Khi đánh quay độ khó tăng dần theo độ xa, đánh trúng quay của người khác mà con quay của mình vẫn xoay là thắng. Đơn giản vậy nhưng đòi hỏi người chơi phải có sức khỏe và kỹ thuật hết sức điêu luyện, bởi vậy khi chơi, khi xem ai cũng thích thú với những con quay, với từng đường đánh dứt khoát, chắc nịch và không ngừng thán phục, trầm trồ với những cú đánh hay, chính xác.

Nếu như trò đánh tù lu của đồng bào dân tộc Mông chỉ dành cho đàn ông trai tráng thể hiện sự rắn rỏi, điêu luyện thì trò Tó Má Lẹ của đồng bào dân tộc Thái lại được dành cho các chị em phụ nữ nhiều hơn. Tó má lẹ theo tiếng Thái, Tó nghĩa là chơi hoặc đánh, còn má lẹ là hạt của một loại dây leo chỉ mọc trong rừng già. Hạt có hình tròn, bẹt giống như đá cuội. Về trò chơi Tó má lẹ, chuyện dân gian dân tộc Thái kể rằng, sau buổi đi rừng lấy củi mệt nhọc hạt má lẹ rụng xuống kêu lách cách vui tai, nên các chị em thấy thích thú nhặt về và cùng chơi tó má lẹ.

Là một trò chơi dân gian ra đời trong lao động sản xuất nên các quy định về cách chơi Tó Má lẹ khá đơn giản, ít nhất phải có 2 người chơi hoặc 2 đội chơi trở lên càng đông sẽ càng vui. Tó má lẹ có nhiều bước chơi cách chơi tuy có sự thay đổi, thêm bớt khác nhau tùy nơi nhưng cơ bản vẫn là những động tác vận động liên hoàn để giữ hạt má lẹ và đánh trúng vào hàng má lẹ được đặt làm cái. Và qua từng động tác nhún nhảy, giữ hạt má lẹ đến dùng tay đánh, dùng chân hất đã thể hiện tất cả sự tinh tế, khéo léo tỉ mỉ của người chơi. Bởi vậy người chơi thường là chị em phụ nữ.
 

1
Trò chơi Tó Má Lẹ được dành cho các chị em phụ nữ của đồng bào dân tộc Thái

 

Trong kho tàng các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc tỉnh Điện Biên, nhiều trò chơi không chỉ mang tính chất thi đấu, vui chơi mà còn để bộc lộ tình cảm giữa nam và nữ, thể hiện tín ngưỡng tâm linh. Ném còn là một trong những trò chơi dân gian như thế. Để chuẩn bị cho ngày hội ném còn, các cô gái Thái đã chuẩn bị khâu quả còn trước vài tháng. Quả còn được khâu bằng vải bên trong nhồi bông, cỏ hoặc vải vụn, bên ngoài được trang trí khéo léo bằng các hoa văn và tua rua sặc sỡ. Chơi ném còn cũng khá đơn giản nhưng lại mê đắm người chơi bởi những lý do riêng.

Thông thường ném còn có 2 cách chơi. Cách thứ nhất là chơi ném còn theo tục tỏ tình, giao duyên. Nam nữ trong sân chơi chung đứng đối diện nhau cùng ném còn qua lại, sau đó đôi nào có tình ý sẽ tự khắc ném quả còn đó và chọn nhau để chơi. Cách chơi thứ hai mang tính phổ quát hơn ai cũng có thể tham gia, trên sân chơi chung một cây tre cao được dựng lên trên ngọn có một vòng tròn uốn bằng tre, ai ném quả còn qua vòng tròn đó thì dành được điểm, ném vào nhiều sẽ thắng chung cuộc. Qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, vật đổi sao rời nhưng mỗi khi xuân đến, hội về nam thanh nữ tú vẫn mê đắm với quả còn tay qua tay.
 
Những trò chơi dân gian hình thành, phát triển qua lao động sản xuất, đấu tranh sinh tồn của mỗi cộng đồng dân tộc nên nắm giữ, lưu giữ tinh hoa hồn cốt của chính dân tộc trong đó. Bởi vậy, dù cách chơi có đơn giản hay phức tạp nhưng các trò chơi dân gian vẫn tồn tại và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Và việc phát huy, quảng bá, gìn giữ những trò chơi dân gian của các dân tộc tỉnh Điện Biên trong giai đoạn hiện nay càng cần được quan tâm, đẩy mạnh.

Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ, thanh niên về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc gìn giữ các trò chơi dân gian mà phải thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại cộng đồng. Đặc biệt là tạo điều kiện cho người chơi, đội chơi có cơ hội tham gia thi đấu, tranh tài tại các lễ hội, hoạt động văn hóa có quy mô thu hút đông đảo khán giả. Có như vậy, các trò chơi dân gian mới có không gian, có điều kiện để tồn tại và phát triển. Cùng với đó, bảo tồn các trò chơi dân gian với gắn với phong trào thể dục thể thao quần chúng, gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
 
Trải qua thời gian, bằng nhiều cách khác nhau các trò chơi dân gian đã hình thành và gắn liền với đời sống của cộng đồng các dân tộc. Bởi vậy, trong nhịp sống hối hả của thời đại hiện nay, các trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc là kho tàng quý giá cần được lưu giữ, bảo tồn và phát triển. Từ đó, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, hiện đại nhưng cũng đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Chu Linh 
 

.