Tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ COVID kéo dài, COVID-19 ở thai phụ liên quan đến não bộ thai nhi
Các phân tích mới của nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy, bệnh tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 kéo dài.
(Ảnh: Shutterstock) |
Bệnh tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 kéo dài
Các nhà nghiên cứu đã xem xét những nghiên cứu theo dõi bệnh nhân COVID-19 trong ít nhất 4 tuần sau khi hồi phục để xem những người nào phát triển các triệu chứng dai dẳng liên quan đến COVID-19 kéo dài như chứng sương mù não, tình trạng da, trầm cảm và khó thở.
Kết quả của ba nghiên cứu cho thấy, số người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ phát triển COVID-19 kéo dài cao gấp 4 lần so với những người không mắc đái tháo đường. Các nhà nghiên cứu cho biết, bệnh tiểu đường dường như là "một yếu tố nguy cơ tiềm ẩn" đối với COVID-19 kéo dài. Tuy nhiên, phát hiện này chỉ mang tính sơ bộ vì các nghiên cứu đã sử dụng những phương pháp khác nhau định nghĩa về COVID-19 kéo dài và thời gian theo dõi, một số xem xét bệnh nhân nhập viện trong khi những nghiên cứu khác tập trung vào người mắc COVID-19 thể nhẹ.
Các nhà nghiên cứu cho biết: "Cần nhiều nghiên cứu sâu hơn ở nhiều nhóm cư dân và bối cảnh bệnh để xác định xem bệnh tiểu đường có thực sự là một yếu tố nguy cơ đối với COVID-19 kéo dài hay không. Trong khi chờ đợi, việc theo dõi cẩn thận những người bị bệnh tiểu đường có thể được khuyến cáo sau khi khỏi bệnh COVID-19".
COVID-19 trong thai kỳ liên quan đến kỹ năng học tập của trẻ sơ sinh sau này
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, những trẻ được sinh ra từ những bà mẹ bị nhiễm COVID-19 khi đang mang thai có thể có nguy cơ mắc các vấn đề về phát triển trí não cao hơn mức trung bình.
Nghiên cứu được thực hiện trên 7.772 trẻ sơ sinh được sinh ra ở bang Massachusetts (Mỹ) từ tháng 3 đến tháng 9/2020, trong đó theo dõi các em bé cho đến khi được 12 tháng tuổi. Trong thời gian đó, 14,4% trẻ sinh ra từ 222 phụ nữ có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 khi mang thai được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phát triển thần kinh, so với 8,7% trẻ có mẹ tránh được virus SARS-CoV-2 trong thai kỳ.
Tiêm vaccine COVID-19 cho thai phụ. (Ảnh: Reuters) |
Sau khi tính đến các yếu tố nguy cơ phát triển bệnh thần kinh khác, bao gồm sinh non, nhiễm virus SARS-CoV-2 khi mang thai có liên quan đến nguy cơ chẩn đoán rối loạn phát triển thần kinh ở trẻ cao hơn 86%. Nguy cơ tăng cao hơn gấp 2 lần khi việc bị nhiễm COVID-19 xảy ra trong tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối thai kỳ).
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng nghiên cứu của họ rất ngắn gọn và không thể loại trừ khả năng các tác động phát triển thần kinh bổ sung sẽ trở nên rõ ràng khi trẻ lớn lên. Mặt khác, họ lưu ý, cần có các nghiên cứu sâu hơn và nghiêm ngặt hơn để loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn khác và chứng minh rằng nguyên nhân gây ra là do virus SARS-Cov-2.
Hội chứng sau COVID-19 hiếm gặp ở trẻ em hiện nay ít phổ biến hơn
Theo một nghiên cứu mới đây, hội chứng viêm hiếm gặp nhưng đe dọa tính mạng ở một số trẻ em sau khi bị nhiễm COVID-19 trở nên hiếm hơn khi biến thể Omicron gây ra hầu hết các ca bệnh và nhiều trẻ em được tiêm vaccine hơn.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu từ Đan Mạch với hơn 0,5 triệu trẻ em và thanh thiếu niên bị nhiễm bệnh sau khi Omicron trở thành biến thể thống trị, khoảng một nửa trong số đó đã trải qua các đợt nhiễm trùng đột phá sau khi tiêm chủng. Nhìn chung, chỉ có một trẻ được tiêm chủng và 11 trẻ chưa được tiêm chủng phát triển hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em (MIS-C), gây viêm ở tim, phổi, thận và não sau khi nhiễm SARS-CoV-2 nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Điều đó có nghĩa là tỷ lệ 34,9 trường hợp MIS-C trên 1 triệu trẻ em chưa được tiêm vaccine COVID-19 và 3,7 trường hợp trên một triệu bệnh nhân trẻ tuổi được tiêm chủng COVID-19. Để so sánh, các trường hợp MIS-C do nhiễm chủng virus Delta chiếm 290,7% trên 1 triệu trẻ em bị nhiễm bệnh chưa được tiêm chủng và 101,5 phần triệu trong số những người được tiêm chủng mắc COVID-19.
Các nhà nghiên cứu cho biết, thực tế là nguy cơ MIS-C thấp hơn đáng kể ở trẻ em được tiêm chủng, điều này cho thấy vaccine đang hỗ trợ giữ cho hệ thống miễn dịch không gây ra phản ứng viêm chết người vốn là một dấu hiệu của MIS-C.
Link: https://vtv.vn/the-gioi/tieu-duong-co-the-lam-tang-nguy-co-covid-keo-dai-covid-19-o-thai-phu-lien-quan-den-nao-bo-thai-nhi-20220610153944522.htm
Theo VTV