Mất an ninh lương thực đe dọa nhiều quốc gia Đông Nam Á
Đông Nam Á là khu vực có thế mạnh về nông nghiệp nhưng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro từ nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu.
Đây là cảnh báo mới được tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cùng các chuyên gia trong khu vực đưa ra.
Màu sắc sặc sỡ, hàng hóa đa dạng. Khung cảnh quen thuộc khi dạo qua các khu chợ truyền thống ở bất cứ quốc gia Đông Nam Á nào. Thật khó để tưởng tượng rằng an ninh lương thực có thể là một vấn đề với các nước được coi là có thế mạnh về nông nghiệp, thế nhưng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc cho biết, chỉ số giá lương thực thế giới trong tháng 5 vừa qua đã tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá lương thực, thực phẩm tiếp tục ở mức cao kỷ lục mới, đe dọa trực tiếp cuộc sống người dân Đông Nam Á.
Ông Shaufique Fahmi Ahmad Sidique - Chuyên gia Nông nghiệp, Đại học Putra, Malaysia cho rằng: "Trung bình người dân Philippines chi 30-40% thu nhập cho lương thực thực phẩm, vì vậy họ cực kỳ dễ bị tổn thương vì các cú sốc tăng giá".
Ở nhiều quốc gia trong khối ASEAN, tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng và tăng trưởng thấp còi hiện ở mức độ cao và điều này có thể là biểu hiện của một cuộc khủng hoảng lương thực tiềm ẩn trong khu vực.
"Trẻ em ăn nhiều tinh bột - loại thực phẩm này rẻ và giúp no bụng, nhưng lại không giàu chất dinh dưỡng", ông Shaufique Fahmi Ahmad Sidique nói.
Trên góc độ toàn cầu, cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay được ví như một "quả cầu tuyết". Quả cầu bắt đầu lăn chậm rãi từ nhiều năm trước khi biến đổi khí hậu khiến sản lượng lương thực sụt giảm, tốc độ và kích thước quả cầu tăng nhanh khi xuất hiện sườn dốc mang tên đại dịch COVID-19. Đến cuối cùng, quả cầu này đã trở nên không thể kiểm soát được trước xung đột Nga - Ukraine.
Đối mặt với cơn bão giá thực phẩm, một số nước Đông Nam Á áp dụng chính sách bảo hộ lương thực. Indonesia tạm thời cấm xuất khẩu dầu cọ và Malaysia dừng xuất khẩu thịt gà. Chuyên gia của FAO cho rằng các nước trong khu vực nên làm ngược lại.
Theo ông Sridhar Dharmapuri - Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO): "Một nước mất an ninh lương thực chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các nước láng giềng. Theo tôi, điều tốt nhất nên làm là xem xét xử lý vấn đề an ninh lương thực từ góc độ cả khu vực chứ không thể coi là vấn đề của riêng của mỗi quốc gia".
Cuộc khủng hoảng này cũng nêu bật lên một thực tế đó là thế giới đang có quá nhiều người phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng từ một số ít loại ngũ cốc được sản xuất hàng loạt, bao gồm lúa mỳ, gạo và ngô. FAO khuyến nghị, người dân và các chính phủ cần tìm giải pháp đa dạng hóa nguồn cung lương thực, hướng tới những nguồn thực phẩm thay thế và giảm sự phụ thuộc vào các loại cây lương thực chủ lực truyền thống.
Link: https://vtv.vn/the-gioi/mat-an-ninh-luong-thuc-de-doa-nhieu-quoc-gia-dong-nam-a-20220620181843644.htm
Theo VTV