Số ca mắc và tử vong do COVID-19 đang đà giảm trên toàn cầu, Trung Quốc ghi nhận người mắc ở khu vực biên giới

Thứ Bảy, 28/05/2022, 08:51 [GMT+7]

Đến sáng 28/5, thế giới có trên 530,63 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,308 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

1
Đến nay, hơn 530,63 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu. (Ảnh: AP)

Là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19, Mỹ hiện ghi nhận trên 85,61 triệu ca mắc và hơn 1,03 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 41.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Theo một nghiên cứu của Đại học John Hopkins (Mỹ), các biện pháp phong tỏa đã cứu được 10.000 mạng sống tại châu Âu và Mỹ, cho thấy các biện pháp cứng nhắc có "tác động rất ít hoặc không tác động" đến việc giảm tỷ lệ tử vong vì COVID-19.

Nhóm chuyên gia kinh tế quốc tế của Đại học John Hopkins, Đại học Lund tại Thụy Điển và nhóm chuyên gia cố vấn Trung tâm Nghiên cứu chính trị của Đan Mạch đã kết luận rằng, phong tỏa chỉ giúp giảm 3% số ca tử vong tại Anh, Mỹ và châu Âu trong năm 2020. Cụ thể, số ca tử vong ở châu Âu giảm 6.000 ca và ở Mỹ là 4.000 ca. Để so sánh, các chuyên gia cho biết, có khoảng 72.000 ca tử vong vì cúm tại châu Âu và 38.000 ca tại Mỹ hàng năm.

Kết luận của nhóm chuyên gia là "các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt không phải là cách hiệu quả để giảm tỷ lệ tử vong trong một đại dịch, ít nhất là trong làn sóng lây nhiễm thứ nhất của đại dịch COVID-19". Mặt khác, nhóm chuyên gia cũng chỉ ra rằng các biện pháp phong tỏa thậm chí có thể làm gia tăng số ca tử vong vì khiến người nhiễm đang cách ly trong nhà có thể truyền tải lượng virus cao hơn cho các thành viên trong gia đình, khiến họ có thể mắc bệnh nặng hơn.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 27/5, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,14 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 524.500 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 666.200 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 30,88 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Trong báo cáo hàng tuần về tình hình dịch COVID-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, số ca mắc và tử vong mới do COVID-19 vẫn đang trên đà giảm trên toàn cầu từ mức cao nhất hồi tháng 1. Theo WHO, hơn 3,7 triệu ca mắc và 9.000 ca tử vong được ghi nhận trên toàn thế giới trong tuần trước, giảm tương ứng 3% và 11%. Số ca mắc mới COVID-19 chỉ còn tăng ở hai khu vực là châu Mỹ và Tây Thái Bình Dương, trong khi số ca tử vong duy trì ở mức ổn định hoặc giảm trên thế giới, ngoại trừ khu vực Trung Đông ghi nhận mức tăng 30%.

Tổ chức này đang theo dõi mọi biến thể phụ của Omicron trong nhóm "những biến thể đáng lo ngại". WHO lưu ý rằng, những nước ghi nhận làn sóng dịch bệnh do biến thể phụ BA.2 của Omicron dường như ít chịu tác động bởi hai biến thể phụ khác là BA.4 và BA.5, vốn là nguyên nhân gây ra làn sóng dịch bệnh mới nhất tại Nam Phi.

1
Số ca mắc và tử vong mới do COVID-19 vẫn đang trên đà giảm trên toàn cầu. (Ảnh: AP)

Theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học KwaZulu-Natal, Salim Abdool Karim, dường như Nam Phi đã vượt qua được làn sóng dịch bệnh mới nhất này. Ông dự báo, một biến thể phụ khác của Omicron có thể sẽ xuất hiện vào tháng 6 khi giải thích rằng, biến thể Omicron có một lượng biến thể phụ lớn như vậy đồng nghĩa biến thể này có nhiều khả năng tiến hóa.

Cuba đã bắt đầu triển khai tiêm liều tăng cường thứ hai ngừa COVID-19 cho người dân thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao và dễ bị tổn thương ở tỉnh miền Trung Villa Clara. Loại vaccine được sử dụng trong đợt tiêm này theo chỉ định của các chuyên gia thuộc Bộ Y tế là Soberana Plus do Viện Vaccine Finlay của Cuba nghiên cứu và phát triển. Cán bộ y tế và hải quan, người lao động trong ngành du lịch và thành viên tham gia tuyến đầu chống dịch sẽ tiêm trước tiên, sau đó tới những người trên 50 tuổi và những người đã hoàn thành liều tăng cường đầu tiên trước đó 5 tháng.

Ngoài ra, những người đã hoàn thành đủ 3 liều vaccine Soberana 02 theo phác đồ cơ bản của Bộ Y tế Cuba, những người đã khỏi COVID-19 và những người đã được tiêm liều tăng cường với vaccine Soberana Plus trước đó 6 tháng cũng có thể tham gia đợt tiêm này.

Ngày 27/5, Cuba ghi nhận 45 ca mắc mới COVID-19 và tiếp tục không có trường hợp tử vong nào do virus SARS-CoV-2. Theo thống kê chính thức, kể từ khi phát hiện trường hợp mắc bệnh đầu tiên vào ngày 10/3/2020 tới nay, Cuba đã ghi nhận tổng cộng trên 1,1 triệu ca COVID-19, trong đó 1.096.336 người đã được chữa khỏi, đạt tỷ lệ 99,2%.

Quốc đảo Caribe này đã hoàn thành tiêm chủng vaccine COVID-19 (3 liều) cho gần 90% dân số với các loại vaccine nội địa Abdala, Soberana 02 và Soberana Plus, đồng thời triển khai tiêm liều thứ tư cho hơn 7,2 triệu người trên tổng số 11 triệu 180 nghìn dân.

Các nhà khoa học Cuba cũng đang nghiên cứu tính an toàn và hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 Abdala ở trẻ em từ 6 đến 11 tháng tuổi. Nếu thành công, vaccine Abdala do Cuba nghiên cứu và phát triển sẽ trở thành một trong những chế phẩm ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới an toàn đối với trẻ em dưới 1 tuổi.

Nhật Bản đã nới lỏng cảnh báo đi lại liên quan tới đại dịch COVID-19 đối với 36 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo đó không còn yêu cầu công dân Nhật Bản tránh các chuyến đi không cần thiết tới những nơi này. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng hạ cấp cảnh báo đi lại đối với một số quốc gia bao gồm Thái Lan, Việt Nam, Singapore và Malaysia từ cấp độ 2 xuống cấp độ 1. Ngoài ra, cảnh báo đối với 15 quốc gia và vùng lãnh thổ cũng được hạ từ cấp độ 3 xuống cấp độ 2.

Nhật Bản sẽ tăng gấp đôi lượng khách nhập cảnh tối đa mỗi ngày lên 20.000 người kể từ ngày 1/6 và mở cửa đón khách du lịch nước ngoài đi theo các chuyến du lịch trọn gói từ ngày 10/6. Du khách đến từ các quốc gia có nguy cơ thấp, đã được tiêm chủng đầy đủ sẽ được miễn kiểm dịch và xét nghiệm COVID-19 khi đến Nhật Bản.

1
Trung Quốc đã ghi nhận ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng không rõ nguồn gốc tại các khu vực biên giới của tỉnh Cát Lâm. (Ảnh: AP)

Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo ngày 27/5 cho biết, nước này sẽ triển khai quy trình điều trị nhanh, cho phép nhóm có nguy cơ cao được xét nghiệm, điều trị và kê đơn thuốc ngay trong ngày có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch xây dựng một nền tảng ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn để phục vụ cho các nghiên cứu khoa học và thành lập một bệnh viện trung ương chuyên khoa truyền nhiễm. Bệnh viện này sẽ đóng vai trò là "trung tâm chỉ huy", điều hành công tác ứng phó với các bệnh truyền nhiễm, tại thủ đô Seoul.

Kể từ giữa tháng 3 đến nay, số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày ở Hàn Quốc đang có xu hướng giảm trong bối cảnh nước này đã kiểm soát được làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron gây ra.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này ngày 27/5 ghi nhận 16.567 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên trên18.05 triệu trường hợp. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp số ca mắc mới tại Hàn Quốc ở dưới ngưỡng 20.000 ca. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 40 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng vì căn bệnh này lên 24.103 bệnh nhân. Hiện nước này có 207 bệnh nhân COVID-19 đang trong tình trạng nguy kịch.

Các quan chức y tế tại thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên đã tiến hành kiểm tra nước sông và không khí để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Các chuyên gia y tế Triều Tiên trong trang bị bảo hộ cá nhân đã tiến hành kiểm tra chất lượng nước của sông Taedong và sông Pothong để đảm bảo nguồn nước vẫn an toàn và vệ sinh, đồng thời truy tìm sớm những dấu vết virus SARS-CoV-2 trong nguồn nước để có biện pháp ngăn chặn.

Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết, trong 24 giờ qua đã có thêm khoảng hơn 100.000 người xuất hiện các triệu chứng sốt và 1 trường hợp tử vong.

Ngày 27/5, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo đã ghi nhận tình trạng lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng không rõ nguồn gốc tại các khu vực biên giới của tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc nước này. Theo NHC, dịch bệnh có xu hướng lây lan từ các khu vực biên giới tới vùng nội địa. Tỉnh Cát Lâm có biên giới giáp cả Nga và Triều Tiên. Hiện chưa rõ chính xác khu vực nào đang chịu ảnh hưởng và bao nhiêu ca mắc COVID-19 mới được phát hiện.

Trong 5 ngày qua, số ca nhiễm mới tại tỉnh Cát Lâm đã duy trì ở mức một con số, với nhiều trường hợp gần biên giới Triều Tiên. Tỉnh này vẫn chưa xác nhận ca mắc COVID-19 nào trong số những người vừa trở về từ nước ngoài trong thời gian gần đây. Tháng 4, Trung Quốc đã đình chỉ dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt với Triều Tiên.

Link: https://vtv.vn/the-gioi/so-ca-mac-va-tu-vong-do-covid-19-dang-da-giam-tren-toan-cau-trung-quoc-ghi-nhan-nguoi-mac-o-khu-vuc-bien-gioi-20220527164838901.htm

 

 

Theo VTV

 

.