Giới chức phương Tây trao đổi về tình hình Ukraine
Ngày 20/1, Ngoại trưởng Mỹ đã đến Berlin (Đức) để hội đàm với quan chức các nước Anh, Pháp và Đức.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở ở Berlin, Đức ngày 20/1. (Ảnh: AP) |
Nội dụng thảo luận là nhằm thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao tháo gỡ căng thẳng với Nga liên quan vấn đề Ukraine.
Tuyên bố trước thềm cuộc gặp, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cam kết, Washington sẽ theo đuổi giải pháp ngoại giao chừng nào còn có thể. Trên mạng xã hội Twitter, ông Blinken nhận định đã có chuyến công du “hiệu quả", đồng thời tái khẳng định Mỹ cam kết tăng cường quan hệ với Ukraine.
Trong cuộc điện đàm, các bên đã thảo luận về các động thái tăng cường quân đội của Nga ở khu vực gần biên giới với Ukraine, cũng như các cam kết ngoại giao song phương và quốc tế đang diễn ra liên quan đến nỗ lực của Nga nhằm xác định lại các thỏa thuận an ninh ở châu Âu.
EU, NATO, Mỹ và Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) nhấn mạnh quyết tâm tiếp tục tham vấn chặt chẽ để giải quyết các vấn đề thông qua biện pháp ngoại giao song phương và đa phương, cũng như bằng cách thể hiện một mặt trận xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ, rõ ràng và thống nhất.
Theo kế hoạch, sau cuộc hội đàm với giới chức các nước đồng minh, Ngoại trưởng Mỹ sẽ đến Geneve (Thụy Sĩ) để gặp Ngoại trưởng Nga trong ngày 21/1.
Lực lượng Bảo vệ Biên giới Ukraine ở biên giới với Belarus tháng 11/2021. (Ảnh: Reuters) |
Trước đó cùng ngày, cuộc gặp 4 bên giữa các quan chức Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh châu Âu (EU) và Ba Lan, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của OSCE, cũng đã diễn ra. Các bên nhấn mạnh quyết tâm tiếp tục tham vấn chặt chẽ để giải quyết những căng thẳng hiện nay thông qua các biện pháp ngoại giao song phương và đa phương.
Các động thái ngoại giao trên diễn ra sau khi các cuộc đàm phán riêng rẽ giữa Nga với Mỹ và NATO trong tuần trước không đạt đột phá. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã mời Nga và các nước thành viên NATO tham gia vòng đàm phán tiếp theo.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, nước này không cần lệnh cấm mở rộng NATO nhưng cần sự đảm bảo rõ ràng rằng, Ukraine và Gruzia sẽ không tham gia vào liên minh quân sự này.
Nga cũng sẽ xem xét ý kiến cho rằng, Mỹ có thể đưa ra cam kết đơn phương, có tính ràng buộc pháp lý về chính sách, không bao giờ bỏ phiếu ủng hộ Ukraine gia nhập NATO và đây là cách thức phù hợp cho Mỹ.
Link: https://vtv.vn/the-gioi/gioi-chuc-phuong-tay-trao-doi-ve-tinh-hinh-ukraine-20220121051440988.htm
Theo VTV