Campuchia liên tiếp ghi nhận hơn 800 ca mắc COVID-19/ngày, Indonesia tăng kỷ lục số ca mới
Hơn 182 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP) |
Đến sáng 29/6, thế giới có trên 182 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 3,94 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 34,5 triệu ca mắc và hơn 619.500 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 4.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 28/6, nước này ghi nhận trên 36900 ca mắc mới COVID-19 và 907 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 30,3 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 397.600 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này. Đây là lần đầu tiên số người tử vong theo ngày tại Ấn Độ giảm xuống dưới mốc 1.000 ca trong gần 2,5 tháng qua. Kể từ khi đại dịch bùng phát trên khắp Ấn Độ, tổng cộng trên 29,3 triệu bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, Brazil tiếp tục không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Đến nay, hơn 513.500 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 18,4 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Tuần này, các nước châu Âu bước vào kỳ nghỉ hè dài 2 tháng, đúng lúc các biện pháp hạn chế phòng dịch được nới lỏng, khởi động một mùa du lịch mới. Nhiều yếu tố đặc thù của giao thông đường sắt đang là lợi thế trên thị trường vận tải hành khách.Các nước châu Âu đã cho chạy các chuyến tàu hỏa chở khách chỉ chạy vào ban đêm, cạnh tranh được với máy bay chặng ngắn. Hoàn cảnh lúc này đang thuận lợi cho ngành đường sắt châu Âu. Nhiều nước châu Âu đang hợp tác với nhau khôi phục lại mạng lưới tàu đêm.
Các quốc gia trên thế giới đang chạy nước rút để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 bằng nhiều biện pháp khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi tiêm chủng. Tại nhiều nước, người đi tiêm chủng có thể nhận được các phần quà hấp dẫn. Trong khi đó, tại Anh, thay vì phải đặt lịch hẹn trước và chờ đợi như ở hầu hết các quốc gia khác, người dân Anh có thể đi tiêm mà không cần đặt lịch hẹn trước, giúp họ tiết kiệm thời gian.
Hai điểm nóng dịch COVID-19 ở Nga là thành phố Moscow và Saint Petersburg vào ngày 28/6 ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất từ trước tới nay trong bối cảnh nước này đang đương đầu với làn sóng dịch thứ 3. Cụ thể, thủ đô Moscow ghi nhận thêm 124 ca tử vong, trong khi thành phố Saint Petersburg thêm 110 ca do COVID-19, vượt ngưỡng cao nhất mà cả hai thành phố này ghi nhận cuối tuần qua.
Số ca tử vong tăng cao kỷ lục do biến thể Delta phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ đã làm gia tăng số ca nhiễm ở Nga. Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 21.650 ca mắc mới và 611 người tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên trên 5,47 triệu trường hợp và gần 133900 bệnh nhân tử vong.
Ngày 28/6, thủ đô Moscow đã buộc phải tái áp đặt cơ chế làm việc tại nhà trong bối cảnh Nga đang nỗ lực khống chế đà lây lan của dịch COVID-19 do sự xuất hiện của biến thể Delta. Nga đã chứng kiến số ca mắc biến thể Delta trong 2 tuần qua tăng vọt, buộc nhà chức trách công bố các biện pháp hạn chế chống dịch mới có hiệu lực từ ngày 28/6 tại Moscow. Phát biểu trên truyền hình, Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn.
Từ ngày 28/6, mọi cư dân thủ đô sẽ phải làm việc tại nhà, trừ những người đã được tiêm chủng. Người dân cũng sẽ phải xuất trình mã QR để vào nhà hàng, xác nhận rằng họ đã được tiêm phòng hoặc đã mắc COVID-19 trong 6 tháng qua hay có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Người dân Moscow sẽ phải xuất trình mã QR để vào nhà hàng. (Ảnh: AP) |
Cùng ngày, Italy đã chính thức bỏ quy định đeo khẩu trang trên khắp cả nước, đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với quốc gia châu Âu đầu tiên phải hứng chịu đại dịch COVID-19 hồi tháng 2/2020. Trong một sắc lệnh có hiệu lực vào ngày 28/6, Bộ Y tế Italy lần đầu tiên đã xếp tất cả 20 khu vực của Italy là "vùng trắng", có nghĩa là các vùng có nguy cơ thấp về COVID-19. Điều này đồng nghĩa, đeo khẩu trang sẽ không còn là quy định bắt buộc ở các khu vực ngoài trời.
Từng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 ở châu Âu, Italy đã chứng kiến số ca mắc và tử vong mới do COVID-19 giảm mạnh trong những tuần gần đây. Theo số liệu của Chính phủ Italy, tính tới ngày 27/6, khoảng 33% dân số trên 12 tuổi đã được tiêm chủng, tương đương hơn 17,57 triệu người. Bất chấp những thành quả chống dịch đã đạt được, Bộ trưởng Bộ Y tế Roberto Speranza khuyến cáo, người dân vẫn duy trì cảnh giác trước nguy cơ xuất hiện các biến thể mới. Đến nay, Italy đã ghi nhận 127.500 ca tử vong trong tổng số hơn 4,2 triệu người mắc COVID-19.
Trong khi đó, với 9 ca tử vong, Ukraine ghi nhận số người thiệt mạng trong một ngày ở mức thấp nhất kể từ ngày 19/7/2020. Nước này cũng ghi nhận thêm 285 ca mắc mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh đến nay lên 2,23 triệu trường hợp, trong đó có 52.295 bệnh nhân tử vong.
Bộ Y tế Ukraine cho biết, số ca mắc mới đang giảm mạnh. Đầu tháng 6, Ukraine đã dỡ bỏ nhiều biện pháp hạn chế trong nước trong khi gia hạn một số biện pháp khác cho đến ngày 31/8. Nước này đã nới lỏng một số yêu cầu về đi lại tới phần lớn các điểm đến, nhưng siết chặt kiểm soát biên giới và buộc các du khách đến từ các nước có biến thể Delta bắt buộc phải tiến hành xét nghiệm kháng nguyên virus SARS-CoV-2.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngày 28/6, chính quyền bang Queensland của Australia đã tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang, hạn chế hội họp đông người tại nhà riêng, đồng thời siết chặt quy định giãn cách xã hội để tăng cường phòng dịch. Cuối tuần qua, Sydney, thành phố đông dân nhất Australia, đã bắt đầu triển khai lệnh phong tỏa kéo dài 2 tuần nhằm ngăn chặn sự lây lan của ổ dịch Bondi liên quan đến biến thể Delta phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ.
Tính đến nay, có hơn 18 triệu người dân Australia, tương ứng 70% dân số nước này, đang thực hiện lệnh phong tỏa ở nhiều cấp độ khác nhau để phòng chống dịch COVID-19.
Số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 trong thời gian gần đây tại Campuchia không có dấu hiệu giảm đi, thậm chí còn đang tiến sát tới ngưỡng cao 900 ca một ngày, trong đó, ngày càng có nhiều người lây nhiễm ngoài thủ đô Phnom Penh và các trường hợp nhập cảnh.
Ngày 28/5, Campuchia phát hiện thêm 883 ca nhiễm mới COVID-19. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp nước này ghi nhận trên 800 ca mắc mới, trong đó có 135 trường hợp nhập cảnh, số ca nhập cảnh dương tính với virus SARS-CoV-2 trong một ngày cao nhất từ trước đến nay. Thủ đô Phnom Penh dần kiểm soát được dịch bệnh nhờ chiến dịch tiêm vaccine, nhưng tình hình lây nhiễm tại các tỉnh thành khác vẫn diễn ra phức tạp với số ca mắc mới ở mức 2 con số.
Bộ Y tế Campuchia xác nhận, biến thể Delta và Beta đã xuất hiện ở nước này. Tính đến ngày 28/6, Campuchia đã nhận 11 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 324.000 liều qua cơ chế COVAX. Campuchia đặt mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 10 hoặc tháng 11 tới.
Báo Khmer Times ngày 28/6 dẫn thông cáo của Bộ Y tế Campuchia xác nhận, trong 24 giờ qua có thêm 16 người tử vong do COVID-19. Tính đến ngày 28/6, Campuchia ghi nhận tổng cộng 48.532 ca mắc COVID-19, trong đó 42.764 người khỏi bệnh và 556 người tử vong.
Bộ Y tế Lào ngày 28/6 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng đột biến sau nhiều ngày tình hình dịch giảm nhẹ. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Lào ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng ngoài thủ đô Vientiane sau hơn 1 tháng. Theo đó, Lào ghi nhận 26 ca mới, trong đó có tới 14 trường hợp nhiễm trong cộng đồng gồm thủ đô Vientiane (7), tỉnh Vientiane (4), tỉnh Luang Namtha (2) và tỉnh Xayabury (1). Những trường hợp còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay tại các tỉnh khác.
Bộ Y tế Lào cho biết, số ca mắc mới tăng đột biến cho thấy, dịch vẫn còn nguy cơ bùng phát trong cộng đồng. Trong khi đó, dịch bệnh tại các quốc gia láng giềng có diễn biến hết sức phức tạp, điều đáng lo ngại nhất là nguy cơ lây nhiễm biến chủng Delta (phát hiện lần đầu ở Ấn Độ) có khả năng xâm nhập và gây bùng dịch trong cộng đồng. Theo điều chỉnh mới nhất về cách thống kê, đến nay Lào đã ghi nhận tổng cộng 2.076 ca mắc COVID-19 trong đó có 3 ca tử vong.
Indonesia có tổng số ca bệnh và tử vong vì COVID-19 cao nhất Đông Nam Á. (Ảnh: AP) |
Trong khi đó, Indonesia tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao với 20.694 trường hợp trong ngày 28/6, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này lên hơn 2,1 triệu người. Trong khi đó, số ca tử vong vì COVID-19 tại Indonesia cũng tăng thêm 423 người, lên tổng cộng hơn 57.500 bệnh nhân. Hiện Indonesia là quốc gia có tổng số ca bệnh và ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Lực lượng đặc nhiệm phòng chống COVID-19 Indonesia thông báo, Cơ quan Giám sát thực phẩm và dược phẩm nước này (BPOM) đã khuyến nghị sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của công ty công nghệ sinh học Sinovac (Trung Quốc) cho trẻ em từ 12-17 tuổi trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang đối mặt với tình trạng gia tăng số ca mắc COVID-19 do sự xuất hiện của các biến thể của virus SARS-CoV-2 và hoạt động đi lại gia tăng sau tháng ăn chay của người Hồi giáo. Dữ liệu của lực lượng này cho thấy, trẻ em từ 0-18 tuổi chiếm 12,6% tổng số ca mắc COVID-19 ở Indonesia.
Chiến dịch tiêm chủng của Indonesia chủ yếu sử dụng vaccine của Sinovac sau khi nhận được khoảng 94 triệu liều. Nước này cũng đã nhận được khoảng 10 triệu liều vaccine của AstraZeneca và Sinopharm (Trung Quốc). Indonesia đang phải đối mặt với sức ép đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trong bối cảnh các bệnh viện ở một số "vùng đỏ" đều ghi nhận tình trạng quá tải.
Để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, Chính phủ Malaysia đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc, theo kế hoạch là sẽ hết hạn vào ngày 28/6. Dù không nêu rõ thời điểm sẽ gỡ bỏ lệnh phong tỏa nhưng theo Chính phủ nước này, các biện pháp hạn chế sẽ chỉ được nới lỏng khi số ca mắc mới COVID-19 giảm xuống dưới 4.000 ca/ngày. Ngày 28/6, Malaysia ghi nhận 5.218 ca nhiễm mới, trong đó chủ yếu lây nhiễm trong cộng đồng.
Sau 4 tuần phong tỏa toàn diện, số ca mắc COVID-19 tại Malaysia đã giảm từ trên 8.000 ca/ngày xuống khoảng 5.000 ca/ngày, nhưng vẫn tồn tại nhiều chỉ số đáng ngại về tình hình dịch bệnh tại nước này. Thực tế cho thấy, kể từ ngày 23/6 tới nay, số ca mắc COVID-19 ghi nhận hàng ngày tại Malaysia liên tục trên 5.000 ca, tuy có giảm so với mức cao chưa từng có kể từ khi Malaysia thực hiện lệnh phong tỏa toàn diện vào ngày 3/6 với 8.209 ca, nhưng vẫn cao hơn so với mục tiêu đề ra. Trong khi đó, tính đến ngày 26/6, Malaysia mới hoàn thành tiêm chủng 2 mũi cho 6,2% dân số và hiện nay, tỷ lệ sử dụng giường điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt ở nhiều địa phương vẫn từ 90-100%.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc công bố báo cáo tình hình dịch bệnh nước này cho biết, ngày 28/6, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 21 ca mắc mới COVID-19 đều là các ca nhập cảnh và không có thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong số các ca nhập cảnh, 5 ca được ghi nhận ở Quảng Đông, 5 ở Vân Nam, 4 ở Tứ Xuyên, 3 ở Phúc Kiến, 2 ở Hồ Nam, trong khi Bắc Kinh và Thượng Hải mỗi nơi 1 trường hợp mắc mới. Đến nay, Trung Quốc đại lục ghi nhận 91.753 ca mắc, trong đó có 86.655 người đã bình phục, trong khi số ca tử vong vẫn là 4.636 ca.
Tính tới ngày 28/6, đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận 11.921 ca ca mắc, trong đó có 211 ca tử vong.
Link: https://vtv.vn/the-gioi/campuchia-lien-tiep-ghi-nhan-hon-800-ca-mac-covid-19-ngay-indonesia-tang-ky-luc-so-ca-moi-2021062816494528.htm
Theo VTV