Quốc hội Mỹ họp để xác nhận chiến thắng của ông Biden, bạo loạn lan rộng tại Mỹ

Thứ Năm, 07/01/2021, 07:28 [GMT+7]

 

1
Người biểu tình ủng hộ ông Trump bên ngoài tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: Reuters.

Vào lúc 13h ngày 6/1 (1h sáng 7/1 giờ Hà Nội), Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã chủ trì phiên họp chung của Quốc hội để xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden.

Phiên họp diễn ra trong bối cảnh có hàng chục ý kiến phản đối từ các nghị sĩ của đảng Cộng hòa và đương kim Tổng thống Donald Trump tiếp tục khẳng định sẽ không nhượng bộ.

Trước khi bắt đầu phiên họp chung của Quốc hội, Phó Tổng thống Pence khẳng định ông không có đủ thẩm quyền để đơn phương chấp nhận hoặc bác bỏ kết quả bỏ phiếu của đại cử tri, điều này có nghĩa là ông Pence sẽ từ chối yêu cầu của đương kim Tổng thống Donald Trump ngăn chặn việc xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden thông qua Quốc hội.

Tuyên bố này của ông Pence khẳng định quan điểm của các chuyên gia về bầu cử rằng, theo Hiến pháp, Phó Tổng thống Mỹ không có quyền từ chối việc chấp thuận xác nhận kết quả bầu cử tổng thống từ các bang riêng lẻ. Dù vậy, Ông Pence bày tỏ sự hoan nghênh đối với các nỗ lực của các nhà lập pháp Mỹ phản đối các cáo buộc về bỏ phiếu bất thường. Ông Pence khẳng định sẽ làm tròn trách nhiệm để các quan ngại về cuộc bầu cử được lắng nghe công khai và công bằng.

Trong khi đó, phát biểu với đám đông người ủng hộ ở thủ đô Washington DC, ông Trump nhấn mạnh sẽ không bao giờ bỏ cuộc hoặc nhượng bộ. Trong nhiều tuần qua, ông Trump đã liên tục khẳng định sẽ không chấp nhận thua trong cuộc bầu cử Mỹ năm ngoái, ngay cả khi các đại cử tri đã bỏ phiếu xác nhận chiến thắng cho ông Joe Biden.

1
Người ủng hộ TT Trump tràn vào bên trong the Capitol. Ảnh: Getty Images

Sơ tán nhiều tòa nhà tại Quốc hội

Cùng ngày, cảnh sát Đồi Capitol đã phải sơ tán nhiều tòa nhà tại Quốc hội khi đám đông người biểu tình ủng hộ đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump cố gắng vào bên trong Quốc hội, nơi diễn ra phiên họp chung giữa Hạ viện và Thượng viện được tổ chức nhằm kiểm phiếu bầu của cử tri đoàn và chính thức công bố ai sẽ là Tổng thống của Mỹ trong 4 năm tiếp theo.

Theo đó, các tòa nhà được sơ tán bao gồm tòa nhà Thư viện Quốc hội Madison đối diện với Điện Capitol cũng như tòa nhà văn phòng Cannon. Trong một cảnh báo được gửi tới các nhân viên của Quốc hội, cảnh sát đã ra lệnh cho những người ở trong tòa nhà Madison di chuyển một cách an toàn ra các lối thoát.

Một số nguồn tin xác nhận Điện Capitol hiện đang bị phong tỏa và bất kỳ ai muốn đi lại giữa các tòa nhà Quốc hội đều được yêu cầu sử dụng hệ thống đường hầm giữa các tòa nhà.

Theo hãng tin Sputnik, người biểu tình đã vượt qua hàng rào gần trụ sở Quốc hội và tiến vào tòa nhà, khiến cảnh sát phải sử dụng hơi cay. Cảnh sát cũng đã sử dụng đạn không gây sát thương để giải tán người biểu tình ủng hộ ông Trump.

Hiện hàng nghìn người ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump từ khắp các nơi trên nước Mỹ đã đổ về thủ đô Washington D.C. Mặc dù cuộc biểu tình đến này vẫn diễn ra ôn hòa, song một lực lượng lớn cảnh sát đã được huy động tới khu vực biểu tình để sẵn sàng đối phó với các tình huống bạo lực có thể xảy ra.

Cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình tại Quốc hội

Cảnh sát Quốc hội Mỹ (USCP) đã sử dụng hơi cay và đạn không sát thương để giải tán người biểu tình, cũng như yêu cầu các nhân viên sơ tán khỏi tòa nhà House Cannon và tòa nhà James Madison trên Đồi Capitol.

1
Người ủng hộ Trump bên ngoài tòa nhà Quốc hội. Ảnh: Getty Images

USCP triển khai hành động trên do những người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã vượt qua hàng rào gần trụ sở Quốc hội và đột nhập vào tòa nhà. USCP thông báo đang tiếp tục điều tra một gói hàng đáng ngờ tại khu nhà 300, phố 1 về phía Đông Nam. Các nhân viên và nhân sự khác được yêu cầu tránh khỏi khu vực này cho đến khi có thêm thông báo. Ngoài ra, USCP cũng cấm một số cung đường để phục vụ điều tra.

Phong tỏa trụ sở Quốc hội để đối phó với biểu tình

Cảnh sát quốc hội Mỹ (USCP) cho biết họ đã phỏng tỏa các tòa nhà Quốc hội Mỹ do tình hình căng thẳng với những người biểu tình và phiên họp xác nhận kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2020 đã bị tạm ngừng.

Động thái trên của USCP diễn ra trong bối cảnh người biểu tình bên ngoài trụ sở Quốc hội đã đụng độ với cảnh sát và xông vào các tòa nhà Quốc hội, khiến các Thượng nghị sĩ phải ngừng tranh luận. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Kevin McCarthy đã hối thúc người biểu tình "giữ bình tĩnh".

Theo The Hill, Phó Tổng thống Mike Pence đã rời khỏi Thượng viện sau khi người biểu tình phá vỡ hàng rào an ninh tại Quốc hội.

Trước tình hình căng thẳng này, Thị trưởng Washington D.C Muriel Bowser thông báo trên mạng xã hội Twitter rằng, thủ đô Washington D.C sẽ áp dụng lệnh giới nghiêm từ 18h và có hiệu lực tới 6h sáng 7/1. Thông báo của Thị trưởng Bowser nêu rõ, "trong thời gian giới nghiêm, không người nào, ngoại trừ những người được Thị trưởng chỉ định, được đi bộ, đạp xe, chạy, quanh quẩn, đứng hay điều khiển moto, xe hơi cũng như các phương tiện vận chuyển khác" trong D.C.

Hạ viện Mỹ được sơ tán

Những người biểu tình xông vào tòa nhà Quốc hội được cho là đã nghe thấy tiếng đập cửa tại Hạ viện. Trước đó, cảnh sát tại Hạ viện nói với các nghị sĩ rằng họ có thể phải nấp dưới ghế, khi mà người biểu tình đã tràn vào trong trụ sở Quốc hội. Các nghị sĩ được yêu cầu "sẵn sàng" để di chuyển sang địa điểm khác.

Trên mạng xã hội Twitter, nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Illinois Adam Kinzinger đã gọi đây là là một "âm mưu đảo chính".

1
Còi xe cảnh sát rú rít bên ngoài Capitol Hill, và cảnh sát ở khắp nơi. Ảnh: Reuters

Đối đầu vũ trang tại cổng Hạ viện, khả năng có bom ống ở khắp thủ đô

Tình hình tại cổng Hạ viện đang ở thế đối đầu vũ trang, khi mà cảnh sát đang chĩa súng vào bất kỳ người nào có ý định tiến tới cổng Hạ viện.

Trong khi đó, lực lượng thực thi pháp luật địa phương và liên bang đang đối phó với các thông tin cho rằng có khả năng bom ống được đặt ở nhiều địa điểm tại thủ đô Washington D.C. Hiện chưa rõ liệu các thiết bị này là thật hay giả, song lực lượng chức năng đang xử lý vụ việc theo chiều hướng đây là bom ống thật.

Ngoài ra, theo cố vấn của Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris, bà Harris đã "an toàn", song Văn phòng Phó Tổng thống đắc cử sẽ không bình luận về địa điểm hiện tại của bà Harris.

Lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện Mỹ an toàn

Lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện hiện đang an toàn tại một địa điểm bí mật không được công bố, sau khi Quốc hội Mỹ bị người biểu tình tấn công.

Một nghị sĩ cho biết các thành viên Hạ viện đã được sơ tán tới một địa điểm khác. Trước đó, các nghị sĩ Hạ viện được yêu cầu nấp dưới ghế và sử dụng mặt nạ chống độc.

Lực lượng cảnh sát Quốc hội hiện đang nỗ lực bảo vệ tầng 2 của tòa nhà Quốc hội trước tiên, sau đó sẽ mở rộng ra từ đó. Cảnh sát thủ đô D.C tiếp tục tập trung bên ngoài trụ sở Quốc hội, song hiện chưa đưa ra hành động đáng kể nào đối với đám đông biểu tình.

Trên Twitter, quyền Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Ken Cuccinelli cảnh báo người biểu tình: "Nếu các bạn đang tiến vào tòa nhà Quốc hội trái lệnh của cảnh sát, các bạn phải rời đi lập tức. Có những địa điểm thích hợp để giải quyết khiếu nại. Đây không phải nơi ấy".

Cựu cảnh sát trưởng Washington D.C quy trách nhiệm cho Tổng thống Trump về hành vi của người biểu tình

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 6/1, cựu cảnh sát trưởng của thủ đô Washington D.C Charles Ramsey cho rằng, Tổng thống Donald Trump phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của những người biểu tình ủng hộ ông.

1
Cảnh sát vào vị trí bên trong nhà Quốc hội the Capitol. Ảnh: Reuters

Ông Ramsey gọi hành vi xâm phạm trụ sở Quốc hội của những người biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump "gần giống một nỗ lực đảo chính mà Mỹ từng chứng kiến". Trả lời phỏng vấn đài CNN, ông Ramsey nhấn mạnh: "Điều mà tôi cho rằng Tổng thống Trump nên thực hiện là chấm dứt tình trạng bất ổn hiện nay và tránh ra đường". Phát biểu của ông Ramsey được đưa ra trong bối cảnh Nhà Trắng đang siết chặt an ninh, trong đó các cảnh sát được trang bị súng trường tấn công và triển khai các hoạt động tuần tra nghiêm ngặt do hành động của những người biểu tình tại khu vực trụ sở Quốc hội.

Một số nghị sĩ và cố vấn cũng đã kêu gọi Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố mạnh mẽ hơn để đối phó với tình trạng hỗn loạn tại Đồi Capitol sau khi người biểu tình ủng hộ ông phá vỡ hàng rào an ninh.

Trong khi đó, trên trang Twitter, Tổng thống Trump viết: "Hãy hỗ trợ lực lượng cảnh sát Quốc hội và thực thi pháp luật. Họ thực sự đứng về phía đất nước của chúng ta. Hãy biểu tình hòa bình".

Cùng ngày, Thị trưởng thủ đô Washington D.C Muriel Bowser đã ban hành lệnh giới nghiêm để đối phó với tình hình bất ổn an ninh.

1
Cuộc họp chung của Quốc hội xác nhận ông Biden thắng bị hoãn vô thời hạn. Ảnh: AP

Phó Tổng thống Mỹ kêu gọi những kẻ bạo loạn rời khỏi tòa nhà Quốc hội

Sau khi những kẻ bạo loạn xông vào trụ sở Quốc hội Mỹ, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 6/1 đã kêu gọi chấm dứt bạo lực, mọi người cần tôn trọng lực lượng thực thi pháp luật và rời khỏi tòa nhà.

Viết trên mạng xã hội Twitter, Phó Tổng thống Pence nêu rõ: "Hành động bạo lực và phá hoại diễn ra tại Quốc hội Mỹ cần phải chấm dứt ngay lập tức. Bất kỳ ai liên quan cũng phải tôn trọng lực lượng thực thi pháp luật và lập tức rời khỏi tòa nhà. Biểu tình ôn hòa là quyền của mọi người dân Mỹ, song vụ tấn công trụ sở Quốc hội sẽ không được dung thứ và những kẻ liên quan sẽ bị truy tố theo pháp luật".

Trong khi đó, quyền Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Chad Wolf, người đang có chuyến công du ngoại giao tới Trung Đông, lên án tình hình tại Quốc hội, cho rằng "bạo lực ở bất kỳ hình thái nào cũng không thể chấp nhận được".

Richard Grenell, người từng là quyền Giám đốc Tình báo quốc gia của Tổng thống Donald Trump kêu gọi cảnh sát lập tức bắt giữ những người tham gia gây bạo loạn tại trụ sở Quốc hội.

Cảnh sát Mỹ vô hiệu hóa người biểu tình quá khích tại Thượng viện

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, cảnh sát Mỹ đã vô hiệu hóa người biểu tình quá khích tại Thượng viện nước này và tòa nhà Thượng viện Mỹ đã sạch bóng những người biểu tình quá khích.

1
Cảnh sát rút súng canh chừng trong khi người biểu tình tìm cách vào trong hội trường Hạ viện tại Quốc hội Mỹ. Ảnh: AP

Một sĩ quan cảnh sát được CNN dẫn lời cho biết cảnh sát đã vô hiệu hóa thành công những người biểu tình quá khích và khiến họ phải rời khỏi khu vực Thượng viện. Theo sĩ quan cảnh sát này, tình hình tại khu vực tòa nhà Thượng viện dường như ổn thỏa. Trong khi đó, đến nay vẫn chưa rõ tình hình tại tòa nhà Hạ viện.

Toàn bộ Lực lượng Vệ binh quốc gia thủ đô được triển khai sau vụ hỗn loạn tại Quốc hội

Ngày 6/1, Bộ Quốc phòng Mỹ đã kích hoạt triển khai toàn bộ Lực lượng Vệ binh quốc gia thủ đô D.C sau khi người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump xông vào trụ sở Quốc hội.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman cho biết Lực lượng Vệ binh quốc gia D.C đã được điều động để hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật liên bang tại D.C. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller đã liên lạc với giới lãnh đạo Quốc hội, trong khi Bộ trưởng Lục quân Ryan McCarthy đang làm việc với chính quyền D.C. Công tác đối phó của lực lượng thực thi pháp luật sẽ do Bộ Tư pháp dẫn đầu".

Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump đã chỉ thị cho Lực lượng Vệ binh quốc gia và "các cơ quan bảo vệ liên bang" khác trợ giúp đối phó tình hình tại Quốc hội. Viết trên mạng xã hội Twitter, Thư ký báo chí Nhà Trắng nêu rõ: "Chúng tôi tái khẳng định lời kêu gọi của Tổng thống Trump chống lại bạo lực và duy trì hòa bình".

1
Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ảnh: AP

Tổng thống đắc cử J. Biden kêu gọi ông Trump ra lệnh chấm dứt vụ hỗn loạn tại Quốc hội

Ngày 6/1, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden kêu gọi đương kim Tổng thống Donald Trump xuất hiện trên truyền hình quốc gia, lên án những người biểu tình ủng hộ ông xông vào trụ sở Quốc hội và ra lệnh chấm dứt vụ hỗn loạn tại cơ quan lập pháp.

Ông Biden gọi vụ hỗn loạn này là một "cuộc nổi dậy" chứ không phải biểu tình, đe dọa tới sự an toàn của các quan chức được bầu chọn. Ông Biden nhấn mạnh thế giới đang chứng kiến vụ việc và bản thân ông thấy sốc và buồn với những gì đang diễn ra. Ông Biden cho biết: "Nền dân chủ của chúng ta đang hứng chịu một vụ tấn công chưa từng có". Ông cũng khẳng định công việc trong 4 năm tới sẽ là khôi phục dân chủ cho nước Mỹ.

Trước khi bạo loạn xảy ra, Quốc hội Mỹ mới chỉ chứng thực 12/538 phiếu đại cử tri.

Tổng thống Trump kêu gọi hòa bình, đề nghị người biểu tình về nhà

Ngày 6/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi hòa bình và đề nghị người biểu tình về nhà sau khi hàng trăm người biểu tình xông vào trụ sở Quốc hội và tìm cách buộc Quốc hội phải đảo ngược thất bại bầu cử của ông Trump.

Trong một video đăng trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump một lần nữa nhắc lại cuộc bầu cử bị "đánh cắp", đồng thời kêu gọi người biểu tình "về nhà. Chúng ta cần phải có hòa bình. Chúng ta phải có luật pháp và trật tự".

Phản ứng trước tình hình bạo loạn tại Quốc hội Mỹ, ngày 6/1, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg gọi các cuộc biểu tình bạo lực tại Washington là "cảnh tượng hãi hùng", đồng thời khẳng định kết quả cuộc bầu cử "dân chủ" tại Mỹ cần phải được tôn trọng. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi chấm dứt "cảnh tượng đáng hổ thẹn" tại Washington, khi những người biểu tình xông vào trụ sở Quốc hội nhằm tìm cách đảo ngược thất bại bầu cử của Tổng thống Donald Trump.

Đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Thượng viện sau 2 cuộc bầu cử bổ sung tại bang Georgia

Ngày 6/1, truyền thông Mỹ đưa tin đảng Dân chủ đã giành được quyền kiểm soát Thượng viện sau khi giành được chiến thắng trong hai cuộc bầu cử bổ sung ở Georgia, một cuộc đua nước rút quan trọng giúp đảng này kiểm soát hiệu quả hơn chính phủ dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden.

1
Ông Trump một mực khẳng định Phó tổng thống Mike Pence có quyền lật ngược kết quả bầu cử - Ảnh: Reuters

Tại cuộc bầu cử Thượng viện ở Georgia, hai ứng cử viên của Đảng Dân chủ là Linh mục Raphael Warnock Jon Ossoff đã lần lượt đánh bại hai Thượng nghị sĩ đương nhiệm đảng Cộng hòa là Kelly Loeffler và David Perdue. Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris sẽ bỏ phiếu quyết định thế đa số, giúp đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện lần đầu tiên kể từ năm 2014.

Chiến thắng của ông Warnock trước bà Loeffler được truyền thông Mỹ khẳng định vào sáng sớm ngày 6/1, trong khi cuộc chạy đua giữa hai đối thủ chính Ossoff và Perdue chỉ được công bố vào cuối buổi chiều cùng ngày, thời điểm lực lượng cảnh sát đụng độ với một đám đông cực đoan xông vào tòa nhà quốc hội để phá vỡ cuộc kiểm phiếu của Đại cử tri đoàn.

Tổng thống Trump đã vận động cho hai nghị sĩ Perdue và Loeffler trong những ngày trước cuộc bầu cử, nhưng tỷ lệ cử tri đi bầu của đảng Cộng hòa đã giảm ở các khu vực nông thôn - vốn có truyền thống ủng hộ Đảng Cộng hòa. Các cử tri da màu gốc Phi ủng hộ đảng Dân chủ với số lượng kỷ lục, trong khi sự yếu kém của phe Cộng hòa ở các vùng ngoại ô thủ phủ Atlanta của tiểu bang này đã khiến họ phải trả giá.

Sau khi kết quả kiểm phiếu được truyền thông Mỹ đưa tin, Thượng nghị sĩ Dân chủ bang New York Charles Schumer dự kiến sẽ trở thành lãnh đạo đa số tại Thượng viện tiếp theo, thay thế cho vị trí Lãnh đạo Đa số Thượng viện hiện tại của Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Kentucky Mitch McConnell.

Link: https://vtv.vn/the-gioi/quoc-hoi-my-hop-de-xac-nhan-chien-thang-cua-ong-biden-bao-loan-lan-rong-tai-my-20210107064147879.htm

 

 

Theo VTV.vn

 

.