Các căn cứ quân sự phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông dễ bị tấn công tiêu diệt
Chính một tạp chí quân sự của Trung Quốc đã thừa nhận các căn cứ (phi pháp) của nước này ở khu vực phía nam của Biển Đông ít có tác dụng trong chiến đấu và dễ bị tấn công tiêu diệt.
Một tạp chí quân sự của Trung Quốc mới đây cảnh báo rằng các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây (phi pháp) ở Biển Đông dễ bị tấn công và có ít tác dụng hỗ trợ chiến đấu.
Trung Quốc đã tiến hành cải tạo các rạn san hô và đảo nhỏ mà nước này chiếm đóng (trái phép) ở vùng phía nam của Biển Đông kể từ năm 2015, biến các thực thể này thành đảo nhân tạo. Theo tổ chức nghiên cứu mang tên Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ, Trung Quốc cũng đã xây các đường băng và cơ sở quân sự trên các đảo này, triển khai súng phòng không và các loại vũ khí khác.
Đường băng và cơ sở quân sự trên đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Ảnh: AP. |
Các động thái này của Bắc Kinh làm dấy lên mối lo ngại ở các đối thủ của Trung Quốc trên Biển Đông như Philippines… Các nước trong khu vực lo ngại việc Trung Quốc củng cố thế trận quân sự ở đây sẽ giúp họ tấn công các chiến đấu cơ hoặc bắn hạ các tên lửa.
Tạp chí hàng tháng “Hạm Thuyền Tri thức” có trụ sở ở Bắc Kinh trong số mới nhất đăng một bài viết nhấn mạnh các điểm yếu của các đảo nhân đạo nói trên, đó là: Khoảng cách xa tính từ đại lục, diện tích nhỏ, năng lực hạn chế của đường băng, và nguy cơ bị tấn công theo nhiều cách khác nhau.
Tạp chí này do Tổng công ty Đóng tàu Quốc gia Trung Quốc (chuyên đóng tàu cho hải quân Trung Quốc) ấn hành. Bài báo trên tạp chí này cảnh báo rằng các đảo nhân tạo đó chưa có khả năng tấn công đáng kể nào.
Bài viết có đoạn: “Các đảo nhân tạo này có lợi thế độc đáo là duy trì hiện diện quân sự ở vùng đại dương sâu, nhưng chúng có những bất lợi tự nhiên về mặt phòng thủ”.
Tạp chí “Hạm Thuyền Tri thức” cho biết các đảo nằm sâu trong Biển Đông và cách xa Trung Quốc đại lục. Nó cũng cảnh báo rằng không có chuỗi gắn kết các đảo với nhau, nên nếu một đảo bị tấn công thì sẽ rất khó cứu viện.
Tạp chí lấy một ví dụ là một đảo (mà Trung Quốc chiếm phi pháp) nằm cách thành phố Tam Á ở đảo Hải Nam tới 1.000km. Khoảng cách đó có nghĩa rằng tàu hỗ trợ tác chiến nhanh nhất của Trung Quốc cũng cần tới hơn 20 tiếng đồng hồ thì mới tới đảo được.
Theo bài báo, các đảo đó cũng ở xa đến mức mà Trung Quốc khó có thể triển khai hiệu quả máy bay J-16 – loại tiêm kích đa nhiệm tiên tiến nhất của Trung Quốc. Các máy bay không thể tuần tra khu vực biển đảo này do khoảng cách lớn và do dễ bị tàu mặt nước của đối phương đánh chặn.
Bài báo nói thêm rằng hầu hết các đảo nhân tạo (do Trung Quốc xây trái phép) đều chỉ có một đường băng và không có đủ chỗ để hỗ trợ hơn một phi cơ tại một thời điểm.
Trong trường hợp xảy ra xung đột, một máy bay đang dỡ tải hoặc tiếp nhiên liệu sẽ phải ở trên đường băng trong thời gian dài khiến các máy bay khác không thể sử dụng đường băng đó nữa.
Ngoài ra, các đường băng này đều nằm sát biển, khiến chúng dễ bị hư hại do thủy triều và khí hậu nhiệt đới.
Bên cạnh đó, tạp chí “Hạm Thuyền Tri thức” cũng nói rằng các đảo nhân tạo quá nhỏ nên khó chịu nổi các đòn tấn công lớn. Hầu hết các đảo này đều phẳng và có ít đá và thực vật. Tức là có rất ít thứ để che chắn. Cách tốt nhất mà quân đội Trung Quốc có thể áp dụng để bảo vệ thiết bị trên đảo là xây các nơi tránh trú bằng các vật liệu như thép (phải được đưa từ đại lục ra và vẫn không đủ sức chống đòn tấn công bằng tên lửa).
Bài báo Trung Quốc cũng nói rằng nếu Mỹ ủng hộ các đồng minh Philippines và Malaysia thì khi xung đột nổ ra, họ có thể tấn công các đảo do Trung Quốc kiểm soát theo nhiều hướng khác nhau./.
Link: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/cac-can-cu-quan-su-phi-phap-cua-trung-quoc-o-bien-dong-de-bi-tan-cong-tieu-diet-822359.vov
Theo Trung Hiếu/VOV.VN lược dịch