Chủ tịch huyện và 15 đồng phạm lãnh án tù do sai phạm đền bù đất

Thứ Tư, 13/11/2019, 07:12 [GMT+7]

Các bị cáo bị tuyên phạm tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Chiều 12/11, sau hơn một tuần xét xử và nghị án, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Yên đã tuyên án đối với 16 bị cáo liên quan vụ đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô tại xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

Các bị cáo bị tuyên phạm tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ Luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi năm 2009) và áp dụng những tình tiết giảm nhẹ cho các bị báo theo Bộ Luật Hình sự năm 2015.

1
Các bị cáo nghe Tòa tuyên án.

Cụ thể, bị cáo Nguyễn Tài, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa nhận mức án 12 năm tù; Nguyễn Kích, nguyên Giám đốc Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Đông Hòa 8 năm tù; Huỳnh Ngọc Thắng, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Đông Hòa 4 năm tù; Huỳnh Ngọc Sương, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa 3 năm tù treo.

Bị cáo Nguyễn Kỳ Tổng, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Hòa và Lê Văn Hoàng, nguyên Chủ tịch UBND xã Hòa Tâm; Bùi Xuân Quang, nguyên nhân viên Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Đông Hòa cùng bị phạt 2 năm 6 tháng tù treo. Các bị cáo còn lại bị phạt tù treo với thời gian từ 1 đến 2 năm.

Hội đồng xét xử cũng tuyên các bị cáo có liên đới với nhau để bồi thường số tiền đã gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước là hơn 9,2 tỷ đồng. Trước đó, cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Yên xác định, từ tháng 7/2013 đến tháng 4/2014, trong quá trình thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô, các cán bộ này đã cố ý không thực hiện đúng các quy định của Nhà nước trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, những cán bộ này đã bồi thường, hỗ trợ về đất không đủ mật độ, đất lấn chiếm, nhà cất trái phép; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho cán bộ đang công tác, cán bộ hưu trí, những người ở ngoài tỉnh, không trực tiếp sản xuất, không có hộ khẩu tại địa phương…

Ngoài ra, các cán bộ này còn lập, hợp thức hồ sơ bồi thường, hỗ trợ diện tích nuôi thủy sản vượt mức, đứng tên nhiều người khác để nhận tiền cao hơn quy định./.

 

 

Theo Thanh Tuấn/VOV

.