Vì sao Mường Ảng thành công trong xây dựng chợ?
Điện Biên TV - Xây dựng chợ và đưa chợ vào hoạt động hiệu quả vẫn còn là một bài toán khó với nhiều địa phương trong tỉnh. Thực tế vẫn có nhiều nơi chợ xây xong nhưng bỏ hoang, còn người dân thì vẫn tấp nập họp chợ ở lòng lề đường. Trái ngược với đó, huyện Mường Ảng đã xây dựng và sử dụng hiệu quả chợ trung tâm huyện. Vậy những yếu tố nào dẫn đến thành công này?
Chợ Trung tâm huyện Mường Ảng không chỉ là nơi giao thương buôn bán thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mà đã trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết, hướng đến nếp sống văn hóa, văn minh của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân thị trấn Mường Ảng.
Trước tiên, hiếm có một chợ nào trên địa bàn tỉnh Điện Biên được hoạt động quy củ như ở đây. Chợ được phân khu khoa học từ hàng tươi sống, hàng hoa quả, hàng rau đến hàng khô. Đáng nói là Ban Quản lý chợ đã để trống một số gian hàng tạo lối đi giữa các phân khu. Nhờ đó người dân có thể đi xe máy đến từng gian hàng thuận thiện cho mua bán.
“Chợ cũ hẹp, ra chợ mới chúng tôi thấy chợ mới khang trang, sạch sẽ, rất là quy củ. Bà con tiểu thương yên tâm buôn bán, tuy số người mua có hạn hẹp nhưng mà so với chợ cũ thì vẫn còn hơn. Nói chung rất phấn khởi.” - bà Trịnh Thị Thơm, tiểu thương tại Chợ Trung tâm huyện Mường Ảng, nói.
Chợ trung tâm huyện Mường Ảng được khởi công xây dựng tháng 2/2020 và khánh thành đưa vào sử dụng 11/2020, với giá trị xây lắp sau khi hoàn thành chợ giai đoạn I là trên 8 tỷ đồng. Chợ có tổng diện tích xây dựng gần 14 nghìn m2 với quy mô xây dựng giai đoạn I gồm 2 khu bán hàng: Khu bán hàng tươi sống và Khu đình chợ.
Ngoài ra còn có các hạng mục phụ trợ gồm: Rãnh thoát nước, rãnh chịu lực; khu vệ sinh; hàng rào tiếp giáp với khu dân cư; hệ thống điện chiếu sáng; hệ thống phòng cháy chữa cháy; hệ thống cấp thoát nước; cây xanh; vỉa hè.v.v... đều được đầu tư đồng bộ, tự động, đáp ứng nhu cầu kinh doanh của gần 200 hộ tiểu thương.
Chợ Trung tâm huyện Mường Ảng được xây dựng khang trang, sạch đẹp, các gian hàng được bố trí hợp lý. |
Để xây dựng được Chợ Trung tâm huyện Mường Ảng, ngoài nguồn ngân sách Nhà nước, thì đây chính là một minh chứng rõ nét cho sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị đến nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng. Và sau khi chợ hoàn thành, để chợ được đi vào hoạt động có hiệu quả, địa phương này đã miễn phí thuê mặt bằng cho các tiểu thương trong 6 tháng đầu.
Miễn phí thuê mặt bằng cho các tiểu thương trong 6 tháng đầu đã thu hút các tiểu thương vào họp chợ ngay sau khi chợ hoàn thành. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp ban đầu. Để chợ có nề nếp hoạt động ổn định là nơi giao thương mua bán văn minh thì phải nói đến cách quản lý chợ. Ban Quản lý Chợ Trung tâm huyện Mường Ảng với 6 thành viên được phân ca túc trực 24/24h. Những khó khăn vướng mắc của các tiểu thương đều được Ban Quản lý chợ tiếp thu giải quyết hoặc chuyển ý kiến lên cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Ban Quản lý Chợ Trung tâm huyện Mường Ảng, cho biết: “Chúng tôi họp và triển khai công việc từng ngày. Sáng sớm dậy là sắp xếp cho bà con hàng hóa gọn gàng, ngăn nắp và cũng tuyên truyền bằng hình thức loa truyền thanh hoặc đến từng hộ kinh doanh nhắc nhở họ không được bày hàng hóa tràn lan để thuận lợi cho việc đi lại. Chúng tôi cũng tuyên truyền cho anh em là phải nâng cao tinh thần trách nhiệm cho bà con được tin cậy, buôn bán tốt.”
Xây dựng và đưa vào hoạt động hiệu quả Chợ Trung tâm huyện Mường Ảng là tổng hòa của nhiều yếu tố. Từ công tác dân vận giải phóng mặt bằng đến những giải pháp vận động tiểu thương vào họp chợ, sau đó là cách quản lý chợ. Sau 2 năm đi vào hoạt động, Chợ Trung tâm huyện Mường Ảng đã trở thành điểm nhấn cho bộ mặt đô thị của thị trấn Mường Ảng nói riêng và huyện Mường Ảng nói chung. Góp phần thúc đẩy kinh tế thương mại, dịch vụ phát triển; đồng thời nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống vật chất cho người dân.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mường Ảng: “Xây dựng chợ là một vấn đề rất lớn và rất khó. Do vậy, ngay từ khâu quy hoạch đến tổ chức thực hiện chúng tôi phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Lấy ý kiến nhân dân từ phương án quy hoạch, phương án thiết kế và trong quá trình đầu tư xây dựng phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Và tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân để nhân dân có điều kiện kinh doanh buôn bán hiệu quả.”
Chợ mới đi vào hoạt động người dân rất phấn khởi. |
Bài học “lấy dân làm gốc” theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã giúp cho huyện Mường Ảng không chỉ thành công trong việc quy hoạch xây dựng và đưa vào sử dụng có hiệu quả Chợ Trung tâm huyện mà đã có rất nhiều các công trình, dự án trọng điểm được triển khai trong những năm vừa qua. Có thể kể đến như: Tuyến đường trục nội thị 27m và 42m tại thị trấn Mường Ảng.
Từ thực tiễn cho thấy, nguyên nhân chính vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng là người dân không đồng thuận bàn giao mặt bằng cho công trình. Bởi nhân dân chưa thấy rõ được những lợi ích cho chính họ và lợi ích cho cộng đồng từ công trình đem lại. Mặt khác, trong quá trình triển khai chính sách đền bù giải phóng mặt bằng còn thiếu chặt chẽ, chưa đủ sức thuyết phục nhân dân. Vì vậy, Mường Ảng luôn tìm cách tháo gỡ những vướng mắc cơ bản đó trong giải phóng mặt bằng cho các công trình, trong đó coi trọng công tác dân vận.
Quan điểm nhất quán của cấp ủy, chính quyền huyện Mường Ảng trong đền bù giải phóng mặt bằng các công trình nói chung và xây dựng chợ nói riêng là: Phải đặt lợi ích nhân dân lên trên hết; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; sẵn sàng học hỏi nhân dân; tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo.
Việc triển khai thực hiện các dự án bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đúng cơ chế, chính sách, đáp ứng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Công tác đối thoại, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, giải quyết. Công tác giải phóng mặt bằng là yếu tố then chốt để đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Chính vì vậy công tác dân vận và thực hiện quy chế dân chủ trong giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ quan trọng, “đi trước, mở đường” nhằm tạo sự đồng thuận của nhân dân. Có thể coi đây là “giải pháp mềm” giúp cấp ủy, chính quyền các cấp ở Mường Ảng đưa chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng “đến gần” với người dân, giúp tiến độ triển khai các dự án bảo đảm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Hoàng Giang - Tiến Thế/DIENBIENTV.VN