Tái đàn dịp Tết Nguyên đán: Nỗi lo của người chăn nuôi
Điện Biên TV - Qua khảo sát trên thị trường và tại các hộ chăn nuôi, giá lợn hơi đang có biến động giảm, giá con giống tăng; giá thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao và có xu hướng tăng trong thời gian tới. Vì vậy, người chăn nuôi có thể sẽ gặp rủi ro, thua lỗ nếu tái đàn để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán mà không tính toán kỹ.
Hiện, giá lợn hơi bán tại các trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang dao động từ 55.000 - 60.000 đồng/kg, giảm từ 4-5 nghìn đồng/kg so với mức giá hơn 1 tháng trước.
Theo các hộ chăn nuôi, giá thành để sản xuất 1 kg lợn hơi vào khoảng 55.000 đồng/kg, nếu đàn lợn tăng trưởng không tốt hoặc hao hụt vì dịch bệnh thì giá có thể đội lên trên 60.000 đồng/kg. Với giá bán hiện nay, người chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nông hộ đang “gồng mình” gánh lỗ.
Vì vậy, mặc dù rất mong muốn tái đàn quy mô lớn, nhưng nhiều hộ chăn nuôi do tâm lý lo sợ về giá cả bấp bênh và dịch bệnh, vẫn chưa dám tăng đàn trở lại hoặc tăng đàn ở quy mô nhỏ hơn so với mọi năm.
Giá con giống, giá thức ăn chăn nuôi, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi,... khiến người chăn nuôi không khỏi lo lắng khi tái đàn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. |
Bên cạnh đó, từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng khoảng 20-30% và dự báo trong thời gian tới sẽ tiếp tục có xu hướng tăng. Không chỉ vậy, các loại con giống cũng tăng giá. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2021: lợn giống trắng tăng từ 400 - 500 nghìn đồng/con đạt mức 1,8 triệu đồng/con; gà giống có giá 18-20 nghìn đồng/con, tăng 8-10 nghìn đồng/con…. Chăn nuôi đang đứng trước “bốn bề” khó khăn.
“60 - 70% chi phí sản xuất chăn nuôi phụ thuộc vào chi phí thức ăn, con giống. Chính vì thế, trước diễn biến của giá thức ăn trồi sụt liên tục thì định hướng chăn nuôi để giá cả ổn định rất khó.” - ông Ðỗ Thái Mỹ, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nói.
Dịp cuối năm cũng là thời điểm giao mùa, nhiều loại dịch bệnh diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát như: Dịch tả lợn, lở mồm long móng trên lợn, dịch cúm gia cầm... Bởi vậy, cùng với những tính toán kỹ cho việc tái đàn, tăng đàn đối với các đối tượng vật nuôi, thời điểm này, các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi cũng cần thận trọng, tái đàn trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh./.
Phương Dung - Chí Công/DIENBIENTV.VN