Việt Nam: "Bến đỗ" mới của ngành công nghiệp bán dẫn

Thứ Sáu, 26/08/2022, 14:46 [GMT+7]

Những tập đoàn sản xuất chip hàng đầu thế giới như Intel và Samsung đang tích cực hiện diện tại Việt Nam trong bối cảnh cuộc đua bán dẫn toàn cầu nóng lên.

1
(Ảnh minh họa - Ảnh: FIERCE ELECTRONICS)

Thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến tăng thêm 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025, theo báo cáo của công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ Technavio.

"Sự gia tăng về nhu cầu tiêu dùng là nguyên nhân trực tiếp giúp các nhà máy bán dẫn ở Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút nguồn vốn FDI của nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian qua. Việt Nam được biết đến là thị trường mới nổi ở khu vực châu Á trong lĩnh vực bán dẫn", Technavio nhận định.

Việt Nam tiếp tục trở thành tâm điểm của ngành bán dẫn khi Samsung tuyên bố kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn từ tháng 7 năm sau với số vốn đầu tư thêm là 920 triệu USD.

Việt Nam còn là nơi đặt nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất của Intel với mức đầu tư 1,5 tỷ USD.

Tại các cuộc làm việc với Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo Intel đều khẳng định, cùng với việc đầu tư nhà máy sản xuất chip, Việt Nam là một trong những cứ điểm sản xuất quan trọng của tập đoàn và sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam với khoản đầu tư gấp nhiều lần so với trước.

Các chuyên gia cho rằng, việc Intel và giờ là Samsung (Intel và Samsung là 2 trong 3 nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới hiện nay) đầu tư sản xuất các thiết bị, linh kiện bán dẫn tại Việt Nam được coi là bước tiến chưa từng có trong thu hút các doanh nghiệp FDI mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao ở Việt Nam trong thời gian tới.

Ngoài ra, nhiều công ty bán dẫn lớn của thế giới cũng đang đặt nhà máy tại Việt Nam, như USI Electronics của Đài Loan (Trung Quốc) hay Renesas Electronics của Nhật Bản.

Theo các chuyên gia, chính sách thương mại và đầu tư ngày càng tự do hóa và thị trường nhân công lớn là lý do giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.

"Việt Nam có lợi thế về thị trường nhân công hơn hẳn Singapore và Malaysia. Tuy nhiên, một số nước khác cũng có nguồn nhân lực tương tự như Philippines, Ấn Độ và Thái Lan, họ cũng rất quan tâm đến sản xuất chất bán dẫn, thậm chí Chính phủ còn đang nỗ lực để ban hành chính sách riêng về ngành bán dẫn.

Trong trường hợp này, Việt Nam có một lợi thế rất lớn khác đó là đất nước các bạn đã có sự hiện diện của Intel và giờ đây là thông báo mới từ Samsung, đó là điều mà Ấn Độ không có, họ chưa có một công ty sản xuất chất bán dẫn nào. Bởi vậy, họ cần thuyết phục các nhà đầu tư mới. Còn Việt Nam đã được chứng minh là một môi trường tốt và an toàn cho sản xuất kinh doanh linh kiện bán dẫn", ông Jimmy Goodrich, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn của Mỹ (SIA), nhận định.

Link: https://vtv.vn/kinh-te/viet-nam-ben-do-moi-cua-nganh-cong-nghiep-ban-dan-20220826104032043.htm

 

 

Theo VTV

 

.