Chuỗi cung ứng toàn cầu liên tục gặp thách thức

Thứ Bảy, 09/07/2022, 16:37 [GMT+7]

Dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng đứt gãy do đóng cửa biên giới. Sau dịch, căng thẳng Nga-Ukraine khiến chi phí vận chuyển tăng vọt.

1

"Slow-balisation", từ ghép giữa Slow, có nghĩa chậm lại và Glo-balisation có nghĩa toàn cầu hoá là một thuật ngữ mà tờ The Economist 3 năm trước đã dùng để mô tả tình trạng mong manh của thương mại quốc tế và đến bây giờ vẫn còn được dùng.

Nhìn lại, chuỗi cung ứng toàn cầu đã liên tục gặp thách thức. Trước dịch là những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến dòng hàng hoá bị đình trệ. Hãy cùng điểm qua những nhận định của báo chí quốc tế về vấn đề này hiện nay.

Theo báo Nikkei, hàng tồn kho của hơn 2 nghìn công ty sản xuất niêm yết trên toàn cầu đạt mức kỷ lục 1,87 nghìn tỷ USD, cao nhất trong 10 năm. Sự tích tụ hàng tồn kho này có thể đến từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng hoặc một số công ty dự trữ để tránh tình trạng thiếu hàng. Vấn đề tồn kho lớn cùng với tiêu thụ chậm có thể khiến các nhà sản xuất ngừng làm việc, ảnh hưởng nghiêm trọng thêm đến suy giảm kinh tế thế giới đang diễn ra.

Tờ EuropeanSting nhận định căng thẳng Nga - Ukraine cản trở dòng chảy của hàng hoá, tăng chi phí đáng kể, gây thiếu hụt sản phẩm và tạo ra thảm hoạ thiếu lương thực trên toàn thế giới bởi Nga và Ukraine chiếm khoảng 1/3 sản lượng lúa mì, 1/4 sản lượng lúa mạch của thế giới và 75% nguồn cung cấp dầu hướng dương… đều là những mặt hàng lương thực quan trọng.

Trang Yahoo Finance cho rằng chính sách ZERO-COVID, tức là "Không COVID" của Trung Quốc sẽ có thể cản trở chuỗi cung ứng toàn cầu vì chính sách này cho phép các thành phố lớn của nước này có thể đóng cửa bất cứ lúc nào nếu các quan chức lo ngại về sự gia tăng số ca mắc mới. Đây là một vấn đề đáng lưu tâm khi 40% công suất sản xuất toàn cầu là ở Trung Quốc.

Link: https://vtv.vn/kinh-te/chuoi-cung-ung-toan-cau-lien-tuc-gap-thach-thuc-20220709104918398.htm

 

 

Theo VTV

 

.