Hàng Việt chiếm 80% tại các hệ thống phân phối
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện hàng Việt đã chiếm lĩnh chủ yếu ở các kênh phân phối trong nước.
Trong Đề án phát triển thị trường trong nước, gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" có mục tiêu: duy trì tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống phân phối hiện đại trên 85%, nâng tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống phân phối truyền thống trên 80%... Mục tiêu này đang dần trở thành hiện thực.
Sau 12 năm thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, trên 70% khách hàng khi được hỏi cho biết họ ưu tiên lựa chọn hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Hình ảnh biểu trưng cho sản phẩm hàng hóa Việt, cũng như chất lượng sản phẩm đã tạo được ấn tượng cho người tiêu dùng.
"Bao giờ mình cũng ưu tiên sử dụng những sản phẩm hàng Việt Nam hàng đầu và mình thực sự cảm thấy an tâm và an toàn", chị Mai Phương, người tiêu dùng, chia sẻ.
Sau 12 năm thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, trên 70% khách hàng khi được hỏi cho biết họ ưu tiên lựa chọn hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN) |
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hiện hàng Việt đã chiếm lĩnh chủ yếu ở các kênh phân phối trong nước. Riêng nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu đã đạt trên 80%, nhóm hàng nông sản đạt trên 90%. Đây chính là những lợi thế để doanh nghiệp sản xuất hàng Việt và các đơn vị phân phối có cơ hội phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.
"Để đáp ứng với sự thích ứng của người dân thích dùng hàng Việt Nam, năm nay chúng tôi dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường dự kiến tăng hơn 20% so với năm ngoái. Chúng tôi đảm bảo chỉ tăng sản lượng chứ không tăng giá", Giám đốc sản xuất Công ty Bánh mứt kẹo Hà Nội Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết.
"Hàng Việt đang ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong lòng người tiêu dùng Việt Nam và chúng tôi đã làm việc với các nhà sản xuất để sản xuất theo nhu cầu của thị trường, qua đó phục vụ tốt hơn nhu cầu mua sắm của người dân", Tổng Giám đốc Công ty bán lẻ BRG Nguyễn Thái Dũng nhận định.
Năm 2021, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước đạt trên 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh dịch bệnh với nhiều diễn biến phức tạp, thị trường trong nước đã trở thành trụ đỡ vững chắc cho hàng Việt.
"Chúng tôi cũng đặt ra mục tiêu là các hệ thống phân phối hàng Việt Nam, của các doanh nghiệp Việt Nam chiếm 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa đến năm 2030. Đặc biệt nữa là sẽ có 70% doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia vào chương trình hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam", Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga nhấn mạnh.
Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2025, trên 90% người tiêu dùng trong nước biết đến Cuộc vận động trong giai đoạn mới. Có thể thấy, nhận thức, hành vi của người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng Việt Nam, từ mục tiêu tuyên truyền sẽ sớm trở thành hành động, thành văn hóa sản xuất và tiêu dùng hàng Việt.
Link: https://vtv.vn/kinh-te/hang-viet-chiem-80-tai-cac-he-thong-phan-phoi-20220117194824041.htm
Theo VTV