Tăng lương từ 2021 và phải giảm mạnh biên chế
Lộ trình tăng lương phải đi cùng với lộ trình giảm biên chế, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp công lập.
Hình minh họa |
Chỉ đạo này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong phiên họp Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) và ưu đãi người có công.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính và chính quyền các địa phương chuẩn bị nguồn ngân sách để thực hiện cải cách tiền lương theo hướng hàng năm, dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương cùng với khoảng 40% tăng thu ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, để bảo đảm bảo bền vững các địa phương phải nhất quán thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm biên chế theo phương châm lộ trình tăng lương phải đi cùng với lộ trình giảm biên chế, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp công lập. “Đã cải cách thì phải ra cải cách, chứ không phải chỉ điều chỉnh đôi chút, không có nhiều ý nghĩa. Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”.
Thực trạng vấn đề tiền công, tiền lương hiện nay và đội ngũ cán bộ, công chức có quá nhiều vấn đề phải giải quyết, tính toán lại. Điều chỉnh lương chúng ta đã thực hiện nhiều lần nhưng vẫn chẳng có ý nghĩa gì với thực tế chi phí cho mức sống tối thiểu của người lao động. Việc tăng lương đã công bằng hay chưa? Thực sự là chưa công bằng vì chưa trả đúng với chất lượng, hiệu quả công việc, còn mang tính cào bằng, dàn hàng ngang. Điều này gây gánh nặng ngân sách trong một thời gian rất dài.
Việc tìm nguồn và bố trí nguồn để tăng lương là việc khó nhưng không phải khó đến mức không thể làm được. Bởi với sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp… thì tăng trưởng kinh tế sẽ có phần dư giả để bố trí nguồn thực hiện tăng lương. Câu chuyện chúng ta bàn nhiều và khó thực hiện hơn cả chính là tinh giản biên chế. Nhiều năm qua, chúng ta rốt ráo thực hiện công cuộc tinh giản biên chế nhưng cuối cùng các nhà quản lý được giao nhiệm vụ này đã phải thừa nhận thất bại.
Vì sao? Vì chúng ta không xây dựng được vị trí việc làm một cách khoa học, công khai, minh bạch nên không có thước đo, tiêu chí đánh giá chính xác chất lượng, hiệu quả công việc; vì trong hệ thống của chúng ta có quá nhiều mối quan hệ chồng chéo, giằng co nên dù một cán bộ, công chức có yếu kém cũng không thể tinh giản.
Một bộ máy cồng kềnh, có quá nhiều nhân lực yếu kém khiến hiệu quả công việc, năng suất lao động luôn ở mức thấp. Tăng lương khi nào mới công bằng, mới có ý nghĩa? Chỉ khi việc tinh giản biên chế phải thực hiện quả. Khi đó, chúng ta có điều kiện trả lương cao cho người làm việc tốt, hệ thống cơ quan Nhà nước khi đó mới mong thu hút được người tài và cũng có thể giải quyết nhiều bài toán bất cập hiện nay trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức./.
Linh: https://vov.vn/vov-binh-luan/tang-luong-tu-2021-va-phai-giam-manh-bien-che-1017851.vov
Theo An Nhi/VOV