Điện Biên: Nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ

Thứ Tư, 13/09/2023, 16:15 [GMT+7]

Điện Biên TV - Phổ cập giáo dục, xoá mù chữ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước hướng tới mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Xác định được điều đó, những năm qua tỉnh Điện Biên đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xoá mù chữ trên địa bàn.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi giáo dục là nhiệm vụ trọng yếu và cấp bách. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân giàu, nước mạnh, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”. Chính từ đó mà Người phát động phong trào bình dân học vụ với chủ trương người biết chữ dạy người chưa biết chữ, người biết chữ nhiều dạy người biết chữ ít, để ai cũng biết đọc, biết viết.

Kế thừa, phát huy tinh thần đó những năm qua, tỉnh Điện Biên luôn nỗ lực thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ trên địa bàn. Những lớp xoá mù chữ, nhất là những lớp xoá mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được tỉnh chú trọng triển khai. Đơn cử như năm 2022 vừa qua, toàn tỉnh đã mở được gần 30 lớp xoá mù chữ với gần 620 học viên. Năm 2023 này, theo kế hoạch các cơ sở giáo dục trên địa bàn sẽ mở 54 lớp với quy mô hơn 1.200 học viên.

1
Tỷ lệ người dân biết chữ ngày càng cao đã cho thấy quyết tâm và hiệu quả trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của tỉnh Điện Biên.

Xác định rõ với công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ; thu hút, huy động học sinh ra lớp; tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học là những yếu tố hết sức quan trọng. Do vậy, tỉnh đã chỉ đạo ngành Giáo dục các cấp tích cực phối hợp với cấp uỷ, chính quyền các địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đầu tư cơ sở vật chất cũng như tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường.

Trước mỗi năm học mới các trường học trên địa bàn tỉnh lại có kế hoạch, phân công đội ngũ giáo viên đến từng địa bàn dân cư để huy động học sinh đến trường, đến lớp. Nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới trên địa bàn tỉnh. Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có trên 480 trường, trung tâm với gần 7.400 lớp và trên 206.000 học sinh, sinh viên, học viên. Tỷ lệ huy động học sinh ở khối mầm non đạt gần 97%, khối tiểu học đạt 100%, khối THCS đạt gần 99%…

Với nhiều cố gắng, nỗ lực, công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả. Năm 2014, tỉnh Điện Biên đạt chuẩn phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi; 2015 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; đến năm 2020 tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở mức độ 2. Tỉnh duy trì đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2; số người trong độ tuổi 15 - 60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 đạt gần 97%; chuẩn biết chữ mức độ 2 là trên 88%. Đây là tiền đề để tỉnh Điện Biên tiếp tục nỗ lực, nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn trong những năm tiếp theo./.

 

 

Nguyễn Hằng - Bùi Tiến/DIENBIENTV.VN

 

.