Thi tốt nghiệp THPT: Gia đình và bản thân thí sinh cần tránh tạo áp lực thi cử

Thứ Hai, 20/06/2022, 08:04 [GMT+7]

Áp lực thi cử quá lớn sẽ khiến các thí sinh căng thẳng kéo dài, dẫn tới giảm khả năng tư duy, gián đoạn quá trình ôn tập, giảm chú ý, thậm chí trầm cảm.

1

Các sĩ tử đang đếm ngược từng ngày đến thời điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, tâm trạng của các em thường có nhiều hồi hộp, lo lắng và rất nhạy cảm. Đặc biệt, khi đối mặt với sự kỳ vọng của gia đình, người thân cũng tạo nên áp lực tâm lý cho các em trước mùa thi cử.

Chuyên gia tâm lý TS.Lê Phương Hoa - ĐH Sư phạm Thái Nguyên chia sẻ, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng căng thẳng, hồi hộp ở thí sinh. Tuy nhiên, áp lực "đỗ đạt" từ phía gia đình hoặc từ bản thân các em là nguyên nhân chính. Có thể một số gia đình đã kỳ vọng cao hơn khả năng thực có của con cái, điều đó tạo nên nhưng áp lực lớn. Thêm vào đó là khối lượng kiến thức lớn, lịch ôn thi dày đặc cũng khiến các em căng thẳng, mệt mỏi, lâu dần nếu không được nghỉ ngơi một cách hợp lý.

Để giảm bớt áp lực cho thí sinh, các bậc phụ huynh cần chia sẻ và thấu hiểu cùng con cái. Bố mẹ cần giúp con hình thành và thích ứng với lịch trình ôn thi, giảm lo âu và lo lắng cho các em. Mặc dù một chút áp lực cũng sẽ biến thành động lực để các em nỗ lực hơn trong những ngày này, nhưng cả phụ huynh lẫn các thí sinh cần phải hiểu rằng, vẫn còn rất nhiều con đường để lựa chọn nên không cần phải đặt áp lực quá lớn lên vai.

PGS.TS Trần Thành Nam - Trưởng khoa Khoa học, giáo dục (Đại học Giáo dục - Đại học quốc gia Hà Nội) cũng chia sẻ quan điểm, thời gian qua các thí sinh đã phải học trực tuyến trong thời gian dài. Trải qua giai đoạn dịch bệnh COVID-19 nên phần lớn các em đều cảm thấy bất an, sự bất an này thường làm gián đoạn quá trình ôn tập, khả năng tư duy, giảm chú ý và ghi nhớ, dẫn đến cảm giác quá tải...

Tuy nhiên, các sĩ tử cần phải cân bằng được bản thân mình, cả về tâm lý lẫn thể chất, điều này cần sự quan tâm và hỗ trợ từ bố mẹ. Để giảm được áp lực, điều quan trọng nhất là bản thân các em phải tự ý thức được rằng, kỳ thi không phải tất cả, nếu không may mình không qua được thì sẽ thi lại chứ không phải tương lai sẽ sụp đổ. Thay đổi cách suy nghĩ như vậy cũng đã làm cho các em nhẹ nhàng đi rất nhiều. Và khi suy nghĩ nhẹ nhàng thì khả năng học tập của các em được tốt hơn.

Theo bác sĩ Dương Đình Phúc – Bệnh viện 354, áp lực học hành ở thí sinh có thể gây ảnh hưởng đến thần kinh nếu không được can thiệp sớm, thậm chí có thể dẫn đến hội chứng rối loạn trầm cảm.

Bác sĩ khuyến cáo, để ôn thi hiệu quả, mỗi em phải tự sắp xếp thời gian học và nghỉ ngơi phù hợp. Trong đó, các em nên dành 6 tiếng/ngày để ngủ và ngủ giấc phải sâu. Giấc ngủ có vai trò đặc biệt quan trọng vì đây là lúc các tế bào thần kinh thải độc và lấy chất dinh dưỡng. Không nên học quá khuya hoặc học quá nhiều sẽ gây mệt mỏi, căng thẳng thần kinh. Phụ huynh không nên tạo sức ép với các con, tránh tâm trạng lo lắng thái quá, ảnh hưởng đến sự tập trung và phân tán tư tưởng của con khi ôn thi.

Link: https://vtv.vn/giao-duc/thi-tot-nghiep-thpt-gia-dinh-va-ban-than-thi-sinh-can-tranh-tao-ap-luc-thi-cu-20220619172723275.htm

 

 

Theo VTV

 

.