Luận án "tiến sĩ cầu lông": Cần ngăn chặn những lò ấp tiến sĩ

Thứ Bảy, 14/05/2022, 14:50 [GMT+7]

Luận án tiến sĩ về cầu lông, yoga, cử tạ… - những luận án này sẽ giúp được gì cho khoa học nước nhà?

Nhiều luận án tiến sĩ được "nhân bản" hàng loạt

Câu chuyện về luận án tiến sĩ râm ran trên các trang báo, các diễn đàn, mạng xã hội những tuần qua sẽ là chủ đề của Sự kiện và Bình luận tuần này.

Trong thời gian gần đây, nếu có câu hỏi: Cụm từ nào được sử dụng phổ biến nhất trong thanh công cụ tìm kiếm trên internet? thì đó là "Tiến sĩ cầu lông". Câu chuyện này bắt nguồn từ việc dư luận tìm thấy một đề tài luận án tiến sĩ với tên gọi gây tranh cãi "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La". Một đề tài nghiên cứu khoa học với cái tên thế này tạo ra dư luận xã hội như thế nào.

1
Luận án "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh gây xôn xao trên nhiều diễn đàn học thuật.
1
Ba năm qua, Viện Khoa học Thể dục thể thao nghiệm thu tổng số 22 luận án tiến sĩ

Không chỉ trăn trở với phát triển cầu lông, nhiều tiến sĩ còn lao tâm khổ tứ nghiên cứu về yoga, bóng rổ, cử tạ... Thậm chí, chuyển biến kinh tế xã hội tại các địa phương còn trở thành đề tài luận án tiến sĩ với lời lẽ và nội dung na ná giống nhau, hệ quả của "chép và dán".

Lý giải cho tình trạng luận án có hàm lượng khoa học thấp được nhân bản hàng loạt, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân sâu xa một phần ở giá trị của tấm bằng này trong tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ.

GS. Phạm Đức Chính, Viện Cơ học Việt Nam nói: "Đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam không chỉ để làm công tác đào tạo mà tiến sĩ và cả giáo sư nữa là một tiêu chuẩn. Người nào có bằng cấp thì ưu tiên. Ở góc độ nào đấy mặt tốt là tìm được người giỏi cho chính quyền nhưng mặt khác nó làm hỏng giá trị của khoa học".

1
Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi trẻ

Việc đánh giá luận án không chỉ dựa vào tên đề tài mà còn ở giá trị khoa học và đóng góp thực tế. Tuy nhiên sau những ồn ào của dư luận thì sắp tới, nội dung này cần được coi là tiêu chí ban đầu trong xét duyệt luận án.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Các hội đồng xét duyệt cũng như người hướng dẫn nên rất nghiêm túc nghiêm minh không nên duyệt các đề tài có tên phạm vi quá hẹp không đủ tầm của luận án tiến sĩ và sẽ gây nên những dư luận trong xã hội".

Để tài nghiên cứu khoa học không phải vì thành tích, vì thăng tiến

Mỗi khi xuất hiện dư luận xung quanh một vấn đề, người ta lại nghĩ đến một thứ, đó là quy trình, và câu chuyện vừa rồi mà có một số người châm biếm là "tiến sĩ giấy" cũng không ngoại lệ. Thế nhưng, quy trình hiện nay của chúng ta đối với đào tạo tiến sĩ như thế nào? Nhiều nhận định cho rằng, quy trình đào tạo tiến sĩ hiện nay của Việt Nam là khá chặt chẽ, thậm chí còn khó hơn nhiều so với các nước khác. Thế nhưng chặt thì chặt, mà vẫn lọt những tiến sĩ cầu lông, tiến sĩ cử tạ, tiến sĩ yoga thì rõ ràng, đây là điều rất đáng suy ngẫm.

1
Ảnh minh họa. Nguồn: giaoduc.net.

Năm ngoái, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 18 về Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ với một số quy định mới. Đáng chú ý, yêu cầu nghiên cứu sinh phải công bố ít nhất một báo cáo khoa học trên trên tạp chí quốc tế giờ không còn là bắt buộc.

Thông tư bổ sung quy định chấp nhận các sách chuyên khảo, các công bố tại các tạp chí trong nước có chất lượng tốt. Điều này được cho là góp phần hạn chế việc nghiên cứu sinh đăng tải các công trình nghiên cứu trên một số tạp chí hay hội thảo quốc tế kém chất lượng, có quy trình phản biện sơ sài.

Thông tư 18 cũng điều chỉnh tăng số lượng nghiên cứu sinh mà 1 giáo sư có thể hướng dẫn trong cùng một thời gian từ 5 lên tối đa 7. Tuy nhiên, bên cạnh kỳ vọng thắt chặt, minh bạch hơn nữa quy trình đào tạo tiến sĩ, có một số ý kiến lo ngại về một sự hạ chuẩn trong đào tạo tiến sĩ.

Một thực tế cũng được nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học chỉ ra, đó là nước nào yêu cầu công bố quốc tế thì chất lượng tiến sĩ rất tốt, còn ngược lại không yêu cầu thì cũng sẽ xuất hiện nhiều tiến sĩ không đạt chất lượng. Đồng thời, nâng chuẩn đào tạo tiến sĩ còn giúp thúc đẩy quá trình hội nhập thế giới của khoa học Việt Nam.

Trong những thập kỷ qua, nền giáo dục đại học Việt Nam đã có nhiều cố gắng để tiệm cận dần với trình độ giáo dục trên thế giới. Thế nhưng nói về câu chuyện đào tạo tiến sĩ, từ những vụ việc gần đây, có lẽ sẽ cần những động thái mạnh mẽ, nghiêm túc, và thậm chí là những chế tài xử lý nghiêm khắc từ cơ quan quản lý Nhà nước, hay sự phản biện, giám sát, đóng góp mang tính xây dựng từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm.

Tất cả những điều đó là để tài nghiên cứu khoa học tại Việt Nam thực sự mang ý nghĩa là đóng góp cho khoa học, cho cuộc sống, chứ không phải vì thành tích, vì thăng tiến.

Hy vọng những biện pháp thiết thực, kịp thời,sẽ giúp ngăn chặn sự xuất hiện của những lò ấp tiến sĩ với 18 đề tài khoa học được nghiệm thu một ngày, hay những tiến sĩ là tác giả của những luận án chưa đủ tầm, chưa đủ các hàm lượng khoa học chưa xứng đáng với danh xưng tiến sĩ. Nền học thuật cần được xây dựng chất xám chứ không bằng số lượng bằng cấp, và sự phát triển đất nước cũng vậy, cần những con người có trí tuệ thật sự. Và đây là câu chuyện cần nhìn nhận rất nghiêm túc trong thời gian tới.

Link: https://vtv.vn/giao-duc/luan-an-tien-si-cau-long-can-ngan-chan-nhung-lo-ap-tien-si-20220514100610796.htm

 

 

Theo VTV

 

.