Gần 20 triệu HSSV tạm dừng đến trường trong năm 2021 vì COVID-19
Đáng nói, trong số trên, có hơn 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn.
Ảnh minh họa. |
Thống kê được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ GD&ĐT cho thấy, năm 2021 dịch COVID-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành Giáo dục. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi, gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực.
Trước thực tế có khoảng 70.000 sinh viên đại học chưa thể tốt nghiệp ra trường do dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị các trường đại học, cao đẳng tích cực hơn nữa đưa sinh viên trở lại trường học tập. Cùng với đó, tăng cường bù đắp chất lượng giáo dục đại học, sau đại học cho sinh viên, học viên. "Trọng tâm vẫn là bù đắp, củng cố chất lượng giáo dục từ phổ thông tới đại học" - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.
Cũng theo số liệu của Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 09/01/2022, cả nước có 9 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp cho tất cả học sinh trên địa bàn; 35 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến và 19 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.
Trong điều kiện khó khăn, ngành Giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động để ứng phó với dịch COVID-19 nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các hoạt động của ngành. Bộ GDĐT đã ban hành nhiều văn bản và triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng để chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, cơ sở giáo dục ứng phó với dịch COVID-19.
Căn cứ các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GDĐT, các địa phương chủ động, linh hoạt xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch năm học để ứng phó với diễn biến khó lường của dịch COVID-19 tại địa phương, đảm bảo yêu cầu đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông.
Các cơ sở giáo dục đại học chủ động tổ chức cho sinh viên học tập trực tuyến để hoàn thiện khối lượng chương trình và bảo đảm chất lượng đào tạo cũng như kế hoạch học tập năm học 2021-2022; tích cực tham gia xây dựng, phát triển hệ thống trực tuyến đại chúng mở và các khóa học trực tuyến dùng chung nhằm tạo ra một nền tảng để kết nối chia sẻ học liệu và thúc đẩy tổ chức dạy học trực tuyến trong các cơ sở đào tạo.
Các cơ sở giáo dục đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị trở thành điểm cách ly tập trung, sẵn sàng đón tiếp người trong diện cách ly hoặc làm địa điểm tiêm phòng; nhiều trường đại học đã tổ chức đoàn cán bộ, giáo viên, giảng viên, nhân viên ngành giáo dục, sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh, lên đường chi viện các tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Trong năm 2021, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ thông tin và Truyền thông phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em" nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Đến ngày 30/11/2021, riêng ngành Giáo dục đã huy động được 146,892 tỷ đồng, 30.612 máy tính bảng, 31.305 điện thoại thông minh và 99.479 thiết bị hỗ trợ học trực tuyến khác. Tính đến ngày 31/12/2021, Bộ GD&ĐT đã phân bổ 87.756 máy tính cho 20 tỉnh, thành phố.
Link:https://vtv.vn/giao-duc/gan-20-trieu-hssv-tam-dung-den-truong-trong-nam-2021-vi-covid-19-20220115125745809.htm
Theo VTV