Hội nghị tham vấn lấy ý kiến dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Điện Biên TV - Tiếp tục chương trình làm việc tại tỉnh Điện Biên, ngày 14/4, đoàn công tác Ủy ban Xã hội của Quốc hội do đồng chí Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội làm trưởng đoàn, phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị tham vấn lấy ý kiến dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Dự hội nghị về phía tỉnh Điện Biên có đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị. |
Trước khi tiến hành hội nghị tham vấn lấy ý kiến dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đoàn công tác Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã trao 30 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho 30 hộ gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên.
Tại hội nghị tham vấn, các đại biểu đã được giới thiệu dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); thông qua tình hình thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Trao đổi, thảo luận, góp ý kiến vào dự án Luật, các đại biểu đã tập trung thảo luận 5 nhóm vấn đề liên quan đến: Hành vi bạo lực gia đình; quyền, trách nhiệm thành viên, gia đình của người bị bạo lực gia đình; người tư vấn hòa giải hành vi bạo lực gia đình; tin báo tố giác bạo lực gia đình, xử lý, xác minh tin báo tố giác; bảo vệ hỗ trợ người bị bạo lực gia đình cũng như các cơ sở trợ giúp bạo lực gia đình. Đồng thời, làm rõ sự cần thiết sửa đổi Luật, phạm vị sửa đổi bổ sung, các điều kiện đảm bảo cho hoạt động phòng chống bạo lực gia đình, quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong phòng chống bạo lực gia đình …
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh: Việc tổ chức hội nghị tham vấn lấy ý kiến về dự án Luật là rất cần thiết, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quy định của pháp luật hiện hành về công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Trước thực tế đó, đồng chí yêu cầu các đại biểu tích cực thảo luận, tham gia góp ý kiến vào dự thảo Luật làm cơ sở để Ủy ban Xã hội của Quốc hội thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.
Kết luận hội nghị, đồng chí Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội ghi nhận, tiếp thu những ý kiến mà các đại biểu đã tham gia. Từ những ý kiến này, đoàn công tác sẽ xây dựng thành báo cáo hoàn chỉnh để trình Ủy ban Xã hội nghiên cứu, chỉnh lý dự án Luật./.
Nguyễn Hằng - Tiến Thành/DIENBIENTV.VN