Hiệu quả các chính sách dân tộc ở Điện Biên Đông

Thứ Năm, 28/08/2014, 14:04 [GMT+7]

Điện Biên TV - Bộ mặt của huyện nghèo dần được cải thiện, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc ngày càng được nâng lên - đó là những hiệu quả mà các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc mang lại cho các huyện nghèo. Điện Biên Đông là một điển hình.

c
Từ năm 2012 đến nay, thông qua nguồn vốn 135CP Điện Biên Đông đã đầu tư xây dựng 31 công trình, trong đó tập trung vào các lĩnh vực nước sinh hoạt, đường giao thông liên bản, thủy lợi

Điện Biên Đông là huyện vùng cao, có nhiều đồng bào dân tộc thiếu số sinh sống như: Mông, Thái, Lào, Khơ Mú, Xinh Mun. Với điều kiện tự nhiên rộng, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trình độ canh tác của đồng bào dân tộc còn hạn chế, tỷ lệ đói nghèo trên 50%, Điện Biên Đông hiện đang là một trong 4 huyện nghèo của tỉnh và được hưởng các chính sách từ chương trình 30a của Thủ Tướng Chính phủ và nhiều chính sách ưu đãi khác của Đảng, Nhà nước.

Có thể khẳng định, trong những năm qua, thông qua các chương trình dự án của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc đã góp phần làm thay đổi diện mạo của huyện nghèo Điện Biên Đông như: Chương trình 135CP về phát triển kinh tế - xã hội các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa; chương trình 134 hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nhà ở và nước sinh hoạt đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; Chương trình 30a với nhiều chính sách tổng hòa về giảm nghèo nhanh và bền vững cho các huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho từng người dân vùng khó theo Quyết định 102/QĐ-TTg….

Mường Luân là xã thuần nông, trong những năm qua, đồng bào các dân tộc đã được thừa hưởng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp như: Hỗ trợ con giống, vật nuôi, tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật canh tác, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi mở rộng diện tích canh tác... Bằng các chính sách hỗ trợ đã góp phần thay đổi phương pháp canh tác của bà con nông dân. Sản xuất nông nghiệp đã tăng cả ba mặt diện tích, năng suất và sản lượng. Từ một xã sản xuất nông nghiệp chủ yếu tự cung, tự cấp, đến nay Mường Luân đã trở thành địa phương đứng đầu của huyện về sản lượng lương thực và có một phần được bán ra ngoài thị trường.

Dưới tác động nhiều mặt của các chính sách dân tộc nói chung, các chương trình dự án cụ thể nói riêng đã và đang làm cho bộ mặt huyện Điện Biên Đông thay đổi từng ngày. Chỉ tính riêng từ năm 2012 đến nay, thông qua nguồn vốn của chương trình 135CP huyện Điện Biên Đông đã được đầu từ gần 30 tỷ, trong đó năm 2012 là 14 tỷ đồng; năm 2013 là 13 tỷ đồng và năm 2014 hơn 10 tỷ đồng. Bằng nguồn vốn trên, huyện đã đầu tư xây dựng 31 công trình, trong đó tập trung vào các lĩnh vực nước sinh hoạt, đường giao thông liên bản, thủy lợi. Các công trình này hoàn thành và đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu trao đổi hàng hoá của nhân dân, cũng như việc phục vụ sản xuất. Mỗi xã nghèo ở Điện Biên Đông đã có thêm nhiều công trình thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân. Ông Giàng A Tủa, Trưởng phòng Dân tộc huyện Điện Biên Đông cho biết: "Điện Biên Đông có 14 xã, thị trấn, trong đó có 13 xã được thụ hưởng chương trình 135CP. Phải nói rằng, được sự quan tâm đầu tư trực tiếp của Đảng và Nhà nước về các chính sách dân tộc trên địa bàn thì mang lại hiệu quả thực tế cho bà con, giảm bớt được những khó khăn, vướng mắc và đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Ví dụ, trước đây ở các xã, bản giao thông đi lại rất khó khăn, người dân muốn sản xuất lúa ruộng nhưng không thể đưa nước tưới về được... nhưng nay nhờ các chính sách của Đảng và Nhà nước thì mọi việc đã thuận lợi hơn."

vcb
Đến nay, Điện Biên Đông có trên 80% phòng học ở các điểm bản được kiên cố

Đến nay, trên địa bàn các xã, bản ở huyện vùng cao Điện Biên Đông đã có đường ôtô đến trung tâm, nhiều tuyến đường được nâng cấp, giao thông đi lại thuận lợi trong các mùa. 100% số xã trên địa bàn có điện lưới quốc gia. Trên 85% số dân được sử dụng nguồn nước sinh hoạt tự chảy. Hệ thống trường lớp học được đầu tư xây dựng, trên 80% có phòng học ở các điểm bản được kiên cố. Số trạm y tế đạt chuẩn ngày được nâng cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn. 100% số xã có sóng điện thoại di động.

Trong những năm gần đây, nhờ các chương trình, dự án của Chính phủ hỗ trợ, đầu tư cho Điện Biên Đông nên tỷ lệ hộ nghèo giảm 5% mỗi năm theo tiêu chí mới. Đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 8 triệu đồng/năm, lương thực bình quân đầu người đạt gần 370 kg/năm. Trình độ dân trí, bản sắc văn hoá các dân tộc được giữ gìn, phát huy, đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân được nâng cao. 100% các xã được phổ cập mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; phong trào toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở đã được triển khai rộng khắp. Các hoạt động văn hoá thông tin, thể dục thể thao vùng dân tộc thiểu số được khơi dậy, quốc phòng - an ninh luôn ổn định và giữ vững. Kết quả trên đã phần nào khẳng định những hiệu quả đích thực từ các chương trình, dự án, những chính sách ưu tiên đặc thù của Đảng và Nhà nước đầu tư hỗ trợ cho vùng dân tộc miền núi ở Điện Biên Đông.

Từ những kết quả đã đạt được cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, điều này sẽ là động lực và nguồn động viên, giúp đỡ đồng bào các dân tộc huyện Điện Biên Đông tiếp tục vươn lên, cải thiện đời sống, góp phần thu hẹp khoảng cách về phát triển kinh tế - xã hội giữa khu vực khó khăn và vùng thuận lợi./.

 

Duy Linh – Ngọc Bích

.