Nâng cao vai trò đội ngũ thú y cơ sở trong chăn nuôi

Thứ Hai, 10/03/2014, 17:29 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hiện nay, tình hình dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật, nhất là dịch bệnh từ siêu vi trùng như H5N1, H7N9, H1N1… đang diễn biến phức tạp. Ngành thú y nói chung và thú y cơ sở nói riêng trên địa bàn huyện Điện Biên đã góp phần không nhỏ trong việc phòng chống, ngăn chặn và khống chế nhiều dịch bệnh nguy hiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăn nuôi phát triển, góp phần cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho sức khỏe con người.

Huyện Điện Biên là một trong những địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm khá lớn trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, việc phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm luôn được quan tâm. Trạm Thú y huyện Điện Biên đẩy nhanh công tác tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm. Các xã trên địa bàn củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi; xây dựng lịch tiêm phòng vắc xin phòng bệnh; đồng thời kiểm tra, đôn đốc thú y viên cơ sở thực hiện tiêm phòng triệt để gia súc, gia cầm ở từng thôn, bản; phối hợp với các trưởng thôn, bản giám sát chặt chẽ bệnh dịch trên đàn gia súc của địa phương, kịp thời xử lý những phát sinh sau tiêm phòng vắc xin...

Bên cạnh các hoạt động nhằm nâng cao vai trò cho đội ngũ thú y cơ sở, Trạm Thú y huyện Điện Biên phối hợp với các ban, ngành tổ chức tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ thú y cơ sở; tổ chức nhiều lớp tập huấn về nghiệp vụ công tác thú y, các biện pháp kỹ thuật về chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh hại vật nuôi và tổ chức tham quan học tập các mô hình làm ăn có hiệu quả để truyền truyền, vận động nông dân làm theo. Bằng nguồn vốn Chương trình Danida, Trạm Thú y huyện Điên Biên đã tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền phổ biến pháp luật về thú y, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho thú y viên các xã và gần 100 hộ chăn nuôi trên địa bàn.

b
Anh Phạm Mạnh Hà, Cán bộ thú y xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên hướng dẫn người dân cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm.


Trong khi hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương rất đa dạng, cán bộ thú y cơ sở mới có năng lực chuyên môn đơn ngành, người có kinh nghiệm tổng hợp không nhiều. Hiệu quả hoạt động của đội ngũ thú y cơ sở chưa được như mong muốn, bên cạnh đó địa bàn rộng, khối lượng công việc lớn, kinh phí chi trả cho hoạt động thú y cơ sở còn hạn hẹp. Ông Trần Đình Tửu, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Điện Biên, cho biết:  Những khó khăn này là rào cản chi phối hiệu quả hoạt động của đội ngũ thú y cơ sở.

Lực lượng thú y cấp cơ sở đang từng bước khẳng định vai trò của mình trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân tại địa phương. Đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn, ứng dụng kỹ thuật mới về nông thôn cho đông đảo bà con nông dân, giúp nông dân thích ứng với nền sản xuất hàng hóa; nắm bắt tình hình, nhu cầu nguyện vọng của nông dân, đề xuất chương trình, nội dung phù hợp với thực tiễn sản xuất. Trong các thời kỳ cao điểm thiên tai, dịch bệnh… thú y cơ sở là lực lượng nòng cốt phát hiện, tham mưu, hướng dẫn nông dân chủ động phòng tránh và dập dịch có hiệu quả. Thông qua lực lượng này công tác vận động, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, khuyến khích cộng đồng, cá nhân tham gia xây dựng nông thôn mới, chương trình xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. Với sự năng động, sáng tạo và lòng nhiệt tình trong công việc, đội ngũ cán bộ thú y đã từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp lạc hậu và giúp người dân tiếp cận với nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa phù hợp với cơ chế thị trường. Tình hình dịch bệnh trên vật nuôi đã được khống chế và đẩy lùi, giúp người dân yên tâm lao động sản xuất.

So với trước đây, lực lượng thú y cấp cơ sở đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Về kinh tế, hoạt động của đội ngũ thú y đã tác động tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, ứng dụng kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng. Những hộ nông dân tích cực đầu tư áp dụng kỹ thuật tiến bộ thì kết quả sản xuất cao hơn và cho thu nhập nhiều hơn. Về xã hội và môi trường, thú y cơ sở có vai trò lớn trong chuyển giao kỹ thuật tiến bộ, nâng cao nhận thức cho người nông dân, nâng cao thu nhập góp phần cải thiện đời sống người nông dân cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong sản xuất, đội ngũ thú y cũng đã chú trọng đến vấn đề môi trường như hướng dẫn các hộ chăn nuôi xử lý chất thải bằng hầm biogas để đảm bảo vệ sinh, môi trường trong lành và bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.

 

Lường Hương – Duy Hưng

.