Tổn thương dây thần kinh giác mạc có thể là hội chứng ở người mắc COVID-19 kéo dài

Thứ Sáu, 30/07/2021, 07:43 [GMT+7]

 

1
(Ảnh minh họa: Sky News)

Tổn thương dây thần kinh và sự tích tụ các tế bào miễn dịch trong giác mạc có thể là dấu hiệu của bệnh COVID-19 kéo dài.

Đây là một hội chứng xuất hiện ở một số người bị nhiễm COVID-19 kéo dài, một nghiên cứu mới cho thấy.

Chuyên gia cho biết, sẽ cần phải xác minh kết quả này đối với số lượng lớn hơn những người mắc COVID-19 kéo dài hoặc mắc COVID-19 thông thường. Tuy nhiên, những phát hiện này gợi ý về một số triệu chứng của COVID-19 kéo dài xuất hiện từ tổn thương dây thần kinh ngoại vi, điều mà các nhà khoa học đã nghi ngờ trước đó.

Những người mắc bệnh COVID-19 dài ngày gặp phải một loạt các triệu chứng và một tỷ lệ lớn bệnh nhân báo cáo các vấn đề về thần kinh, bao gồm nhức đầu, cơ thể bị tê cứng, mất khứu giác và chứng "sương mù não", hoặc khó suy nghĩ và tập trung. Theo Tiến sĩ Rayaz Malik, giáo sư y khoa và bác sĩ tư vấn tại Weill Cornell Medicine-Qatar ở Doha, việc mắc COVID-19 kéo dài có thể phát sinh một phần do tình trạng tổn thương các tế bào thần kinh trong cơ thể.

Cụ thể, bằng chứng sơ bộ cho thấy, việc mắc COVID-19 dài ngày có thể liên quan đến tổn thương các sợi thần kinh nhỏ, những dây mỏng phân nhánh của nhiều tế bào thần kinh cụ thể trong cơ thể và chuyển tiếp thông tin cảm giác (đau, nóng lạnh, ngứa, cùng với các cảm giác khác) đến hệ thần kinh trung ương. Các tế bào thần kinh sợi nhỏ cũng giúp kiểm soát chức năng cơ thể không tự chủ, chẳng hạn như nhịp tim và nhu động ruột. Do đó, việc tổn thương các tế bào này có thể gây ra một loạt triệu chứng.

Tiến sĩ Rayaz Malik và các cộng sự đã nghiên cứu tình trạng mất dây thần kinh dạng sợi nhỏ ở những người mắc bệnh tiểu đường và các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh đa xơ cứng. Họ nhận thấy rằng, những người bị COVID kéo dài dường như có chung các triệu chứng tương tự với những bệnh nhân này, vì vậy họ quyết định điều tra mối liên hệ tiềm ẩn.

Sử dụng một kỹ thuật gọi là kính hiển vi đồng tiêu giác mạc (CCM), nhóm nghiên cứu đã chụp các tế bào thần kinh trong giác mạc, lớp trong suốt của mắt bao phủ đồng tử và mống mắt. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng quy trình không xâm lấn để đếm tổng số tế bào thần kinh dạng sợi nhỏ trong giác mạc, đồng thời đánh giá độ dài và mức độ phân nhánh của các sợi đó. Trong quá trình làm việc với các tình trạng có thể khác nhau, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, khi bạn phát hiện tổn thương ở các dây thần kinh sợi nhỏ của giác mạc, điều đó thường chỉ ra rằng, có những tổn thương tương tự ở các vị trí khác trên cơ thể.

Theo nghiên cứu mới được công bố vào ngày 26/7 trên Tạp chí Nhãn khoa Anh, ở những người phát triển các triệu chứng thần kinh sau khi nhiễm COVID-19, giác mạc bị mất số lượng đáng kể thần kinh sợi nhỏ, so với những người đã điều trị khỏi COVID-19 và không xuất hiện các triệu chứng thần kinh kéo dài. Bên cạnh đó, mức độ tổn thương sợi thần kinh tương quan với mức độ triệu chứng nghiêm trọng của những người tham gia nghiên cứu, theo đó, mức độ tổn thương dây thần kinh lớn hơn có liên quan đến các triệu chứng rõ ràng hơn.

Trong nghiên cứu phạm vi nhỏ hơn với 40 người đã khỏi COVID-19 từ 1 đến 6 tháng trước khi đánh giá, 29 người đã khỏi bệnh từ COVID-19 ít nhất 3 tháng trước đó, ngoài việc chụp giác mạc, mỗi người tham gia đã hoàn thành một cuộc khảo sát bao gồm các câu hỏi về bất kỳ triệu chứng thần kinh nào của bệnh COVID-19 kéo dài.

Kết quả là 22 người xuất hiện các triệu chứng thần kinh kéo dài gồm đau đầu, chóng mặt và tê 4 tuần sau khi hồi phục COVID-19. Và 13 trong số 29 người đã được hồi phục ít nhất 3 tháng cho biết, họ có các triệu chứng thần kinh ở tuần thứ 12 sau khi nhiễm bệnh.

Các tác giả cũng đánh giá 30 người khỏe mạnh không có tiền sử nhiễm COVID-19 để so sánh. Họ phát hiện ra rằng, so với 30 người tham gia đối chứng này, tất cả những người khỏi COVID-19 đều chứa một số lượng lớn các tế bào miễn dịch trên giác mạc của họ. Cụ thể hơn, số lượng tế bào miễn dịch, được gọi là tế bào đuôi gai giúp thông báo cho hệ thống miễn dịch về những "kẻ xâm lược từ bên ngoài", đã xuất hiện cao bất thường. Ở những người có các triệu chứng thần kinh kéo dài, số tế bào đuôi gai này tăng gấp 5 lần so với những người khỏe mạnh, người không có triệu chứng thần kinh tăng gấp 2 lần.

Nghiên cứu mới không thể chứng minh rằng, phản ứng miễn dịch gây ra tổn thương dây thần kinh. Tuy nhiên, ý tưởng này phù hợp với các bằng chứng hiện có cho thấy, hầu hết các tổn thương thần kinh do COVID-19 gây ra là do viêm, không phải vì virus lây nhiễm trực tiếp vào các tế bào thần kinh.

Kết quả nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng về tổn thương dây thần kinh sợi nhỏ ở những bệnh nhân mắc COVID-19 kéo dài.

Link: https://vtv.vn/the-gioi/ton-thuong-day-than-kinh-giac-mac-co-the-la-hoi-chung-o-nguoi-mac-covid-19-keo-dai-20210728200931428.htm

 

 

Theo VTV

 

.