COVID-19: Vứt bỏ khẩu trang, găng tay thế nào cho an toàn?
Các loại rác liên quan đến COVID-19 cũng có thể trở thành nguồn lây nhiễm mầm bệnh nguy hiểm nếu không được thu gom và xử lý đúng cách.
Trong diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, khối lượng chất thải y tế đã tăng lên đáng kể. Lượng rác thải tăng cao trong thời gian này dễ dàng trở thành nguồn lây nhiễm mầm bệnh nguy hiểm không kém các F0, F1. Việc vứt bỏ và xử lý rác thải của người bệnh và người sinh hoạt trong môi trường có nguy cơ nhiễm COVID-19 nên được quan tâm nhiều hơn.
Các loại rác liên quan đến COVID-19 thường là khẩu trang, chai khử trùng, khăn giấy có dính máu, bộ dụng cụ PPE, găng tay và rác thải sinh hoạt của người bệnh. Những món đồ này có thể được xem như là chất thải lây nhiễm. Đây là loại chất thải đáng nghi chứa mầm bệnh như virút, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng, đủ khả năng để khiến người khỏe mạnh mắc bệnh.
Rác thải này còn bao gồm các vật liệu và thiết bị y tế được sử dụng để chẩn đoán, phát hiện và điều trị COVID-19. Về bản chất, chúng đã bị nhiễm máu, mô, dịch cơ thể, nội tạng, kim tiêm, nhiệt kế, giấy vệ sinh, gạc, túi đựng nước tiểu và các thiết bị hoặc vật liệu y tế khác có tiếp xúc với dịch tiết cơ thể của bệnh nhân bị nhiễm bệnh.
Theo một nghiên cứu, lượng chất thải nguy hại dự kiến phát sinh mỗi ngày từ người mắc bệnh có thể đạt tối đa là 3,4kg. Sự gia tăng đột biến lượng chất thải phát sinh từ bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã gây ra áp lực to lớn đối với ngành quản lý chất thải ở mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các vùng tâm dịch.
Chất thải lây nhiễm có thể gây ra các vấn đề về môi trường và sức khỏe nếu không được lưu trữ, vận chuyển hoặc xử lý đúng cách. Theo một nghiên cứu, vi-rút COVID-19 có thể vẫn hoạt động trên các bề mặt như nhựa, kim loại và thủy tinh trong tối đa 9 ngày, trên các mẫu huyết thanh trong 11-12 ngày, 17-31 ngày trong phân và 13-29 ngày trong chất tiết ra từ đường hô hấp.
Để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh, dưới đây là những điều cần lưu ý khi vứt bỏ rác thải liên quan đến COVID-19:
Nếu có trường hợp COVID-19 được xác nhận hoặc nghi ngờ trong gia đình, các thành viên cần nhận thức được chất thải của bệnh nhân cũng có thể là nguồn bệnh. Do đó, cần phải xử lý chúng một cách cẩn thận. Chất thải của bệnh nhân cần được thu gom sớm và không được để ngoài trời.
Rác thải y tế nên được để cách biệt với rác thải sinh hoạt khác. Hộp đựng chất thải phải được đậy kín sau khi cất giữ rác. Để tránh tiếp xúc trực tiếp với chất thải, túi phải được niêm phong trước khi chất thải vượt quá 70% sức chứa của túi. Thùng hoặc túi/hộp chứa rác thải này cần phải được để tránh xa tầm tiếp xúc của các loài động vật bới rác như quạ hay chuột.
Một trong những điều quan trọng bậc nhất là người vứt bỏ rác cần rửa tay sạch sau khi tiếp xúc với hộp/túi rác. Trong lúc xử lý, chất thải lây nhiễm cần được để vào thùng hoặc hộp riêng, có thể là với màu sắc nổi bật dễ nhận biết. Bên cạnh đó, thức ăn thừa và bao bì thực phẩm mà bệnh nhân COVID-19 sử dụng vẫn có thể được xem là rác thải có nguy cơ lây nhiễm nhất định.
Link: https://vtv.vn/doi-song/covid-19-vut-bo-khau-trang-gang-tay-the-nao-cho-an-toan-20210526233441279.htm
Theo VTV