Số bệnh nhân tai nạn do rượu, bia giảm đáng kể
Khoa Cấp cứu bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên giảm hẳn số bệnh nhân đến cấp cứu. |
Có mặt tại khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi tại khoa cấp cứu vắng vẻ hẳn hơn so với trước kia. Trước kia khi chưa có Nghị định 100/2019/NĐ-CP bệnh viện thường tiếp nhận nhiều bệnh nhân đa chấn thương do tai nạn giao thông có uống rượu bia gây ra, đặc biệt là đối tượng thanh niên tham gia giao thông trong đêm muộn nhưng thời gian gần đây cả tuần không có ca nào như thế, số lượng bệnh nhân tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia giảm hẳn.
Ông Phạm Văn Mẫn – Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Khi chưa có Nghị định 100/2019/NĐ-CP trung bình bệnh viện tiếp nhận từ 3 đến 5 ca bệnh nhân do tai nạn giao thông có sử dụng rượu bia, tuy nhiên 5 ngày trở lại đây bệnh viên chưa tiếp nhận bất kì một bệnh nhân nào bị tai nạn giao thông mà có sử dụng rượu bia.
Có thể nhận thấy Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu ứng tích cực đối với cộng đồng, xã hội cũng như giảm tải áp lực cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, giảm mức độ tổn thương, đảm bảo an ninh trật tự. Nghị định 100 được thực hiện sẽ làm giảm các vụ TNGT, giảm các nguyên nhân xã hội khác. Điều này cũng giúp ý thức, nhận thức của người dân được nâng cao hơn cũng giúp cho ngành y giảm bớt gánh nặng về việc chăm sóc và điều trị./.
Luật phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định 46 năm 2016), có hiệu lực từ 1/1/2020. Theo đó, chỉ cần có nồng độ cồn trong máu vượt 0, lái xe sẽ bị phạt. Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 600.000 đồng; xe máy 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng; ôtô 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng. So với Nghị định 46, mức phạt tiền tăng cao hơn 2 lần với ôtô và xe máy. |
Tử Long/DIENBIENTV.VN