Chủ tịch HĐND tỉnh Lò Văn Phương giám sát tại huyện Mường Nhé
Điện Biên TV - Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về việc thực hiện giao đất giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; chi trả dịch vụ môi trường rừng, giai đoạn 2019-2023 trên địa bàn tỉnh, ngày 4/4, tổ công tác số 1 do đồng chí Lò Văn Phương, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã tiến hành làm việc với UBND huyện Mường Nhé và kiểm tra giám sát thực tế tại bản Nậm San 1, xã Mường Nhé.
Đồng chí Lò Văn Phương, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận chương trình làm việc với UBND huyện Mường Nhé. |
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng diện tích đất lâm nghiệp phải thực hiện đo đạc cấp giấy chứng nhận là trên 44.000ha; trong đó đã rà soát, đo đạc, lập bản đồ địa chính là hơn 42.000ha. Tổng diện tích đất, rừng đã giao trên 24.700ha; trong đó giao đất giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân là gần 20.000ha cho hơn 1.900 chủ rừng.
Diện tích đất lâm nghiệp đã giao đất giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Kế hoạch 2783 là gần 20.000ha, hơn 10.000ha chưa được giao đất giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tổng diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2019 là gần 72.000ha và trên 80.000ha năm 2023.
Tại buổi giám sát, huyện Mường Nhé cũng nêu lên những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như: Một số diện tích đất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ không tập trung, khó khăn trong quá trình rà soát, khoanh vẽ; một số cộng đồng dân cư và hộ gia đình cá nhân chưa thống nhất được ranh giới thửa đất, để xảy ra tranh chấp và chưa thống nhất được hướng giải quyết tranh chấp. Người dân trên địa bàn canh tác chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy nên còn gặp nhiều khó khăn khi tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của người dân khi được nhà nước giao đất, giao rừng đối với những diện tích đất nương luân canh bỏ hoang nay đã phát triển thành rừng…
Huyện Mường Nhé kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có hướng dẫn cụ thể khi thay đổi dữ liệu giao đất lâm nghiệp không có rừng nay đã diễn biến thành rừng để thực hiện khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, sửa đổi quy định về đối tượng được giao rừng phải cư trú hợp pháp trên địa bàn cấp xã nơi có rừng.
Đối với 2 xã chưa được đo đạc địa chính, 9 xã đã được đo đạc địa chính nhưng chưa khép kín và có nhiều biến động chưa được cập nhật, chỉnh lý bản đồ địa chính, huyện đề nghị HĐND tỉnh xem xét kiến nghị với UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để huyện thực hiện đo đạc địa chính và đo đạc lại đối với các xã đã có biến động lớn.
Tại buổi giám sát, các thành viên trong đoàn đã đề nghị huyện Mường Nhé giải trình làm rõ những số liệu chưa khớp nhau giữa báo cáo của tỉnh và huyện; làm rõ nội dung một số diện tích đất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ không tập trung gây khó khăn trong quá trình rà soát, khoanh vẽ cụ thể ở những bản nào? Quá trình thực hiện theo Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai có khó khăn vướng mắc gì…
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Mường Nhé và cơ quan chuyên môn đã giải trình làm rõ những nội dung mà đoàn giám sát đã nêu.
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Lò Văn Phương, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý: Thời gian tới, UBND huyện Mường Nhé cần chỉ đạo các xã trong quá trình rà soát nương luân canh phải tách hẳn không đưa vào giao rừng, không đưa vào quy hoạch. Quá trình thực hiện rà soát, giao đất giao rừng phải đảm bảo an sinh xã hội đời sống người dân, tránh xảy ra tình trạng mất ổn định chính trị khu vực biên giới. Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận các kiến nghị của huyện để tổng hợp báo cáo.
Trước đó, đoàn đã tiến hành kiểm tra, giám sát thực tế việc chi trả dịch vụ môi trường rừng tại cộng đồng bản Nậm San 1, xã Mường Nhé.
Hoàng Út - Vi Hiếu/DIENBIENTV.VN