Trẻ nhập viện tăng mạnh, bác sĩ lưu ý những sai lầm của bố mẹ khi hạ sốt cho trẻ

Thứ Ba, 07/06/2022, 07:46 [GMT+7]

Ngoài việc tự ý sử dụng thuốc hạ sốt, nhiều bố mẹ còn có những thói quen sai lầm như đóng kín cửa, chườm lạnh, cho con uống thuốc hạ sốt quá sớm...

Những ngày này, Hà Nội thời tiết mưa ẩm, nắng nóng cũng đột ngột tăng nên số trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp gia tăng. BS. Nghiêm Thị Mai Sang, Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, những ngày gần đây khoa Nhi tiếp nhận số lượng bệnh nhi nhập viện tăng mạnh, thậm chí gấp đôi so với tháng trước. Cụ thể, số lượng bệnh nhi tại Khoa đang dao động khoảng 70- 80 bệnh nhi/ngày. Trẻ mắc bệnh chủ yếu là các bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, trong đó viêm đường hô hấp chiếm tới hơn 70%.

Theo bác sĩ, nguyên nhân của các trường hợp viêm phổi trẻ em chủ yếu do virus (tới 70%), thường gặp nhất là virus hợp bào đường hô hấp RSV; hoặc do vi khuẩn phế cầu gây ra viêm phổi ở trẻ. Virus thường phát sinh, phát triển ở nhiệt độ, độ ẩm cao; thời tiết như hiện nay đang rất thuận lợi cho các virus này phát triển, vì vậy đã khiến gia tăng tình trạng lây nhiễm ở trẻ.

Để phòng bệnh hô hấp và tiêu hóa trong giai đoạn thời tiết như hiện nay, cha mẹ cần giữ gìn vệ sinh cho trẻ, vệ sinh nhà ở sạch sẽ, thông thoáng; đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho bé để tăng sức đề kháng. Đặc biệt, cha mẹ cần phát hiện sớm các dấu hiệu ở trẻ như ho, khò khè.

Đáng lưu ý, hiện có tình trạng tự ý điều trị - nhất là thuốc kháng sinh khi thấy con ho, khò khè. Việc sử dụng kháng sinh không đúng loại, liều lượng có thể làm nặng thêm tình trạng của trẻ.

Việc tự ý điều trị tại nhà không đúng cách đã dẫn đến tình trạng trẻ bị nặng lên, nhiều trẻ khi nhập viện đã trong tình trạng suy hô hấp, thở rít, sốt. Một số trẻ còn có tình trạng nhiễm trùng khá nặng do dùng kháng sinh không đúng dẫn tới không kiểm soát được tình trạng nhiễm trùng.

Phó GS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện các bố mẹ đang có những thói quen sai lầm trong việc hạ sốt cho trẻ. Cụ thể như chườm lạnh, đóng kín cửa nhà, uống thuốc hạ sốt quá sớm hay cho trẻ ăn kiêng. Thực tế, thân nhiệt trẻ ở miệng từ 37,5 độ C trở lên, ở nách từ 37,2 độ C tức là bé đang sốt, song không phải trường hợp nào cũng cần dùng đến thuốc hạ sốt. Khi sốt nhẹ, thân nhiệt trẻ ở mức 37,5-38,5 độ C, chỉ cần cởi bớt quần áo, cho bé uống nhiều nước, hoặc bú mẹ nhiều hơn.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trong thời tiết nắng nóng, đa phần các trẻ nhỏ nhập viện do sốt virus, sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy, các bệnh hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi. Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, trong thời tiết nắng nóng, trong trường hợp trẻ phải đi từ nhà đến trường, cha mẹ cần có biện pháp chống nóng cho trẻ như đội mũ, nón. Ở trường học, cần phải có hệ thống chống nóng như điều hòa, quạt mát, hoặc mở cửa để thông thoáng, đón gió (nếu không có điều hòa). Nên nhắc trẻ cách nửa tiếng uống nước một lần, hạn chế giờ chơi dưới nắng để tránh bị khát hoặc mất nước. Bên cạnh đó, cho trẻ uống nước hoa quả để bổ sung nhiều khoáng chất và vitamin là tốt nhất để tăng sức đề kháng.

Link: https://vtv.vn/xa-hoi/tre-nhap-vien-tang-manh-bac-si-luu-y-nhung-sai-lam-cua-bo-me-khi-ha-sot-cho-tre-20220606224801293.htm

 

 

Theo VTV

.