Niềm vui ngày thống nhất đất nước
Đúng ngày này cách đây 47 năm - ngày 30/4/1975, khi lá cờ cách mạng tung bay đầy kiêu hãnh trên nóc Dinh Độc Lập, cả nước như vỡ òa trong niềm vui thống nhất.
Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng (Ảnh tư liệu TTXVN). |
Sau cuộc tiến công ngày 29/4, đập tan tuyến phòng thủ vòng ngoài, làm tan rã phần lớn 5 sư đoàn chủ lực của địch. Sáng sớm ngày 30/4, 5 cánh quân lớn của ta từ 5 hướng đồng loạt tổng tiến công vào các vị trí đầu não của chính quyền Sài Gòn.
Trưa 30/4, Quân đoàn 2 được nhân dân dẫn đường đã tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. 11h30 phút, cờ cách mạng đã tung bay trên dinh lũy cuối cùng của chính quyền Sài Gòn.
Theo Thiếu tướng Phan Khắc Hy - nguyên Phó tư lệnh Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn: "Đó là cái đích cuối cùng của cuộc kháng chiến, đó là cái đích cuối cùng mà mỗi người chiến sỹ sẵn sàng hy sinh xương máu để dành được lá cờ cắm trên Dinh Độc Lập".
Trưa 30/4/1975, ông Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, chấm dứt chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Tại Hà Nội, bản tin chiến thắng đầu tiên được Đài Tiếng nói Việt Nam cập nhật vào lúc 11h45 ngày 30/4/1975. Các tuyến phố ở trung tâm thành phố ngay lập tức vỡ òa. Hồ Gươm đã trở thành quảng trường của niềm vui thống nhất đất nước.
Còn tại Sài Gòn, từng đoàn quân giải phóng tiếp tục tiến vào thành phố trong sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân trên khắp mọi ngả đường.
Bài hát Nối vòng tay lớn được chính nhạc sỹ Trịnh Công Sơn bắt nhịp và hát trên làn sóng phát thanh vào trưa ngày 30/4. Bài hát không có đàn nhưng được đệm bằng tiếng vỗ tay của những người trong phòng. Niềm vui ngày thống nhất đất nước lan tỏa khắp nơi.
Để có được ngày vui thống nhất đất nước là biết bao những hy sinh, những đấu tranh gian khổ, dưới mưa bom, bão đạn, là những ngày tháng bị tra tấn tù đầy… Với các chiến sỹ cách mạng ở miền Tây Nam Bộ, là những cựu tù tại Khám Lớn - Cần Thơ, ngày 30/4/1975 cũng chính là ngày họ được giải phóng khỏi nhà tù, những gian khổ, chịu đựng tăm tối bấy lâu, nay đã thấy ánh sáng mặt trời.
Ký ức ngày thống nhất tại nhà tù lớn nhất miền Tây Nam Bộ
Dù 47 năm đã trôi qua nhưng các cựu tù binh ở Khám Lớn Cần Thơ vẫn nhớ như in về những ngày bị đọa đày tại đây. Gọi là Khám Lớn vì đây là nhà tù lớn nhất Tây Nam Bộ, tập trung giam giữ những người tù yêu nước, bị án nặng. Mỗi phòng giam chỉ vỏn vẹn vài chục mét vuông nhưng có lúc đã chứa hàng trăm tù nhân.
Ông Phạm Ngọc Hùng - Cựu tù kháng chiến TP Cần Thơ - cho biết: "Khai thác thì nó dùng mọi thứ. Nó dùng dùi cui, ba trắc đánh đập, đầu bị dập vào tường. Nó bỏ mình vào thùng phi dìm nước, rồi đổ nước xà phòng vào sau đó kéo chân mình lên để nước trào ra. Mình không nghĩ mình còn sống đâu".
Bà Nguyễn Thị Quỳnh - Cựu tù kháng chiến TP Cần Thơ - cho hay: "Nó đánh vào đầu, chạy điện vào hai ngón tay. Mỗi lần chạy điện là tôi ngã xuống chết ngất".
Ở Khám Lớn, các tù chính trị sẽ bị địch nhốt riêng trong các xà liêm biệt giam, tách biệt với bên ngoài. Thế nhưng dưới lằn roi, mũi đạn của kẻ thù, các tù nhân vẫn một lòng giữ tròn khí tiết đến hơi thở cuối cùng...
Sau khi chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng, đến chiều ngày 30/4/1975, TP. Cần Thơ cũng hoàn toàn được giải phóng. Càng trải qua những khổ sai áp bức, ngày 30/4 trong ký ức các cựu tù binh càng có nghĩa hơn. Với họ, đó không chỉ là ngày đất nước thống nhất mà đó còn là ngày họ được tự do, giải phóng khỏi còng xiết chốn lao tù.
Những cựu tù binh ở Khám Lớn giờ đều đã ở tuổi thất thập cổ lai hy nhưng họ vẫn không thể nào quên về nhưng ngày "sống vĩ đại tù vinh quang". Có khổ đau, có hy sinh, mất mát nhưng đã đánh đổi độc lập, tự do của dân tộc.
"Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng
Vùng lên xông pha vượt qua bão bùng
Thề cứu lấy nước nhà, thề hy sinh đến cùng
Cầm gươm ôm súng xông tới.
Vận nước đã đến rồi, bình minh chiếu khắp nơi
Nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời".
Trong khí thế tiến công vào Sài Gòn năm ấy, khi ngày thắng lợi đang đến rất gần, vẫn còn có rất nhiều những hy sinh, mất mát. Cứ đến những ngày này, tại bến sông cầu Rạch Chiếc - cửa ngõ phía Đông của TP Hồ Chí Minh, nơi mà 52 chiến sỹ đặc công đã hy sinh ngay trước bình minh ngày 30/4/1975 để bảo vệ cầu, đồng đội của họ lại quay trở về đây, để làm đám giỗ cho những người bạn của mình.
Đám giỗ bên dòng sông cầu Rạch Chiếc
Mỗi năm, ông Lương Xuân Tương đều vượt hàng ngàn km từ Thanh Hóa vào TP Hồ Chí Minh để gặp anh mình. Gặp nhưng hai anh em không thể ngồi chuyện trò, bắt tay hay ôm lấy nhau bởi anh của ông đã mãi nằm lại dưới lòng sông này. Liệt sĩ Lương Xuân Tầm đã hy sinh trước bình minh ngày 30/4/1975 tại trận chiến cầu Rạch Chiếc.
Giữ vị trí "tử thủ" tại cửa ngõ phía Đông Sài Gòn, trận chiến tại cầu Rạch Chiếc được xem là trận đánh ác liệt cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Bắt đầu từ ngày 27/4, gần 200 chiến sĩ tiểu đoàn 81, Z22, Z23, Lữ đoàn Đặc công 316 đã chiến đấu ngoan cường để bảo vệ cầu không bị phá hủy.
Đến rạng sáng ngày 30/4, quân địch tan rã, bỏ chạy, cầu Rạch Chiếc đã được bảo vệ nguyên vẹn để quân chủ lực lao qua cầu tiến thẳng về nội đô TP Sài Gòn.
Thế nhưng, trong cuộc chiến đấu này, 52 cán bộ chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại nơi này.
Đều đặn suốt 47 năm qua, cứ đến những ngày cuối tháng 4 lịch sử, người thân, đồng đội của những chiến sĩ đã hy sinh năm ấy lại đến đây.
Mâm xôi, hoa và một ít trái vải đầu mùa, dâng nén tâm hương tưởng nhớ anh linh các đồng đội, ai cũng đứng lặng bồi hồi xúc động.
47 năm đã trôi qua, dòng sông này đã tiễn đưa những chiến sỹ quân giải phóng ra đi về với đất mẹ, nay vẫn hiền hòa trôi. Những hy sinh của các chú, các anh đã đi vào lịch sử đất nước, với những chiến công còn mãi tự hào.
"Ta kiêu hãnh sống những ngày đẹp nhất
Những năm tháng sống trong lòng giặc
Vẫn hồn nhiên khúc hát yêu đời
Với quê hương, với tổ quốc, với mọi người
Với đồng đội, trọn đời tôi chung thủy"
Trong gian khổ, tình đồng đội càng trở nên gắn bó như ruột thịt. Chính vì lẽ ấy, một cựu tù cách mạng đã không nghĩ đến hạnh phúc riêng mà dành cả cuộc đời mình để nuôi con cho đồng đội đã hy sinh. 47 năm trôi qua, dù nuôi con một mình, không ít những vất vả, lo toan nhưng người lính năm nào vẫn cảm thấy: đó là một việc cần phải làm cho đồng đội.
47 năm nuôi con đồng đội
Liệt sĩ Lê Kim Tiến bị băng huyết, hy sinh ngày 17/4/1975, chồng là liệt sĩ Lê Quốc Việt cũng hy sinh trước ngày 30/4/1975. Không nỡ để con đồng đội bơ vơ nên khi đất nước hòa bình cũng là lúc bà Thanh bắt đầu một hành trình mới - hành trình làm mẹ.
Đứa bé được sinh ra trong tù năm ấy nay cũng đã 47 tuổi, được đặt tên là Việt Tiến, ghép tên cha mẹ lại với nhau.
"Từ lúc tôi 14 tuổi là tôi biết hết được mọi thứ thì tôi thấy mẹ Thanh là một người quá tuyệt vời. Mẹ dám hy sinh cả một cuộc đời, cả một tuổi thanh xuân. Tôi mang ơn mẹ cả một cuộc đời, bốn mươi mấy năm mẹ gồng gánh nuôi tôi. Không có người phụ nữ nào không muốn cho mình hạnh phúc cả, trong khi mẹ vừa giỏi, vừa có tài" - chị Lê Việt Tiến (con của 2 Liệt sĩ Nguyễn Quốc Việt và Lê Kim Tiến) nói.
Bà Lê Ngọc Thanh (Tám Thương) - Cựu tù kháng chiến TP Cần Thơ - cho hay: "Trên đời này có người mẹ nào đem con đi giao cho người ta để đổi lấy hạnh phúc không? Cũng đâu có cái bia mộ nào ghi là chết mà không chồng đâu. Rồi thôi, ở luôn nuôi nó chứ cũng gian nan tiếng ra tiếng vào nhưng vàng thật không sợ lửa".
Năm 2014, chị Lê Việt Tiến mắc bệnh hiểm nghèo, bà Thanh đã bán hết tài sản cứu con.
"Nhà cửa bán hết, tài sản bán hết, tôi có đôi bông à tôi cũng lột ra bán để cứu con, người sống hơn đống vàng, trong đất nước mình hòa bình là có máu xương của cha mẹ nó" - bà Thanh nói.
2 người mẹ cùng 1 đứa con. Số phận đã gắn kết cuộc đời họ vào nhau trong dòng chảy biến động chung của vận mệnh đất nước, để làm nên câu chuyện đẹp về tình đồng đội, đồng chí về tình người và tình mẫu tử thiêng liêng.
Lễ cưới đặc biệt của hai liệt sỹ
Trong những ngày tháng 4 này, có một đám cưới đặc biệt của hai liệt sỹ đã hy sinh cách đây 50 năm. Họ, những thanh niên tuổi 18, đôi mươi - với lý tưởng cách mạng và tình yêu nước, đã rời quê hương để lên đường làm nhiệm vụ. Cả hai người đều hy sinh khi ước nguyện về chung một nhà chưa thành. Khi biết được câu chuyện này, gia đình hai bên đã làm một đám cưới để thực hiện nốt những điều còn dang dở.
Link: https://vtv.vn/xa-hoi/niem-vui-ngay-thong-nhat-dat-nuoc-20220430133853017.htm
Theo VTV