Di chứng "hậu COVID-19": Nhiều người bệnh không thể trở lại cuộc sống bình thường

Thứ Ba, 15/02/2022, 15:19 [GMT+7]

Tình trạng F0 đi khám hậu COVID-19 ngày càng tăng. Các chuyên gia nhận định hậu COVID-19 là vấn đề thực tế của xã hội sau đại dịch.

Tính đến nay, cả nước đã có hơn 2,2 triệu người mắc COVID-19 được chữa khỏi. Mặc dù đa số bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn sau khi khỏi bệnh, nhưng vẫn còn rất nhiều người bị các di chứng hậu COVID-19 kéo dài. Điều này khiến cho nhiều người không thể trở lại cuộc sống bình thường sau khi nhiễm bệnh.

Hàng ngàn người thăm khám sức khỏe hậu COVID-19

Tại TP Hồ Chí Minh, nơi có số ca bệnh COVID-19 nhiều nhất cả nước, hàng ngày, các bệnh viện đã tiếp nhận hàng trăm ca đến khám và điều trị hậu COVID-19.

Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định ngày nào cũng tiếp nhận nhiều trường hợp đến thăm khám để điều trị các triệu chứng hậu COVID-19. Chị Trịnh Thị Liên (ở quận Gò Vấp) mắc COVID-19 khoảng 2 tháng trước. Trong thời gian mắc bệnh, chị cho biết chỉ có vài triệu chứng nhẹ nhưng sau khi khỏi, chị lại ho nhiều.

"Nó ảnh hưởng cả cuộc sống, đi làm và ảnh hưởng cả sinh hoạt của mình. Tại vì mình cứ ho hoài. Trong giờ làm mình cũng ho. Mình cũng không ngủ được. Có khi nửa đêm dậy cũng ho", chị Liên cho hay.

Thống kê cho thấy từ tháng 12/2021 đến đầu năm 2022, bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân đến khám hậu COVID-19, trong đó, hơn một nửa bệnh nhân hậu COVID-19 gặp vấn đề hô hấp.

TS.BS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết: "Ở đây cũng can thiệp nhiều trường hợp tổn thương nặng sau COVID-19. Có những tình huống như là viêm phổi. Viêm phổi tổ chức hóa rồi xơ phổi, một số trường hợp giãn phế quản".

Còn tại phòng khám hậu COVID-19 của bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, tháng qua cũng đã tiếp nhận hơn 4.000 bệnh nhân đến khám. Mỗi ngày, phòng khám có khoảng 150 bệnh nhân đến khám.

Chị Lê Thị Tuyết Hạnh (trú phường 11, quận 11) cho biết chị có cảm giác "giống như mình bị đuối nước vậy".

Theo TS.BS Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y dược, TP Hồ Chí Minh: "Bệnh nhân đến khám nhiều vì chứng mệt mỏi, nhức đầu, mất ngủ, khó thở và chứng mau quên. Đó là những chứng thường gặp. Khi làm các xét nghiệm, chúng tôi nhận thấy tổn thương ở phổi với nhiều mức độ".

1
Ảnh minh họa.

Cho đến nay, tại Việt Nam vẫn chưa có thống kê ghi nhận đầy đủ về tình trạng hậu COVID-19 trên cộng đồng. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu trên thế giới cho thấy: 33-76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19 ít nhất sau 6 tháng sau đợt cấp tính bệnh; 20% phải tái nhập viện.

Những đối tượng lưu ý sức khỏe hậu COVID-19

Theo các nghiên cứu chia làm 3 giai đoạn. Thứ nhất là COVID-19 cấp với triệu chứng và dấu hiệu kéo dài trong 1-4 tuần. Thứ hai, COVID-19 kéo dài với COVID-19 đang diễn tiến triệu chứng và dấu hiệu kéo dài từ 4-12 tuần. Hậu COVID-19 là triệu chứng và dấu hiệu kéo dài trên 12 tuần kể từ khi mắc COVID – 19

COVID-19 có thể tác động lâu dài khiến người bệnh gặp phải các tình trạng hậu COVID-19 như:

- Thần kinh: mất mùi, vị kéo dài, bệnh não và đột quỵ

- Tâm thần: thường gặp nhất là stress, trầm cảm

- Phổi: Khó thở, ho

- Da: tình trạng ban đỏ, mày đay.

- Tim mạch: hồi hộp, viêm cơ tim

- Tổng quát: Mệt, đau cơ, đau khớp…

Tuy nhiên theo các chuyên gia, không phải ai cũng nên đi thăm khám hậu COVID-19. Các nhóm cần đi khám là những người có triệu chứng và những người nguy cơ cao.

"Nhóm những người có nguy cơ cao như người đã từng nằm viện, người thuộc nhóm có bệnh nền như béo phì, tiểu đường. Lớn tuổi hoặc trong thời gian nằm viện, người ta phải can thiệp thở máy, phải can thiệp ECMO. Những người đó sau xuất viện thì bác sĩ chắc chắn sẽ hẹn tái khám. Và những người này người ta vẫn còn triệu chứng khi xuất viện", TS.BS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết.

Còn đối với những người không còn triệu chứng, chất lượng cuộc sống không bị ảnh hưởng nhiều, các chuyên gia cho rằng cần lạc quan, không lo lắng khi thấy nhiều người khám hậu COVID-19.

Như vậy, các đối tượng nguy cơ nhập viện, bệnh nền là những đối tượng có các yếu tố nguy cơ phát triển hội chứng hậu COVID-19. Ngoài ra, bệnh nhân nhẹ cũng cần lắng nghe cơ thể có những triệu chứng bất thường để đi thăm khám sức khỏe hậu COVID-19.

1
Người bệnh kiểm tra sức khỏe tổng quát hậu COVID-19 (Ảnh: NLĐ)

Những thách thức chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19

Theo đánh giá, hậu COVID-19 sẽ tác động đến sức khỏe, công việc của người bệnh và tác động lên hệ thống an sinh xã hội. Tại TP Hồ Chí Minh, ngành y tế xác định vấn đề hậu COVID-19 là vấn đề trọng tâm của việc chăm sóc sức khỏe cho người dân năm 2022. Bởi với hơn 300.000 người xuất viện, chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 là một thách thức.

"Mình bị sang chấn tâm lý nặng khi xung quanh người thân mình mất rất nhiều. Sợ nhất ám ảnh tiếng chuông điện thoại nhất là về đêm sau 22h", một người dân chia sẻ.

Hậu COVID-19, người thân xung quanh mất đã trở thành nỗi ám ảnh của người phụ nữ này mỗi khi đêm về. Chất lượng cuộc sống thay đổi khi thường xuyên khó ngủ được, chị đã tìm đến các chuyên gia tâm lý.

Thạc sĩ Trần Thị Tâm Nhàn, giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP Hồ Chí Minh cho biết: "Có những bệnh nhân họ bị ảnh hưởng tâm lý khá nặng. Sau quá trình họ nhập viện và điều trị thì họ xuất hiện triệu chứng mất ngủ triền miên, luôn sống trong tâm trạng lo sợ và luôn ám ảnh tiếng máy thở, màu trắng của bệnh viện".

Tại TP Hồ Chí Minh, hơn 300.000 ca xuất viện sau khi điều trị, nhu cầu chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 về cả bệnh lý và tinh thần được đánh giá là đáng quan tâm trong năm 2022. Do đó TP dự kiến phân tầng để chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Nhóm bệnh nhân hậu COVID-19 nhẹ sẽ do tuyến y tế cơ sở phụ trách với các biện pháp kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền.

Nhóm bệnh nhân hậu COVID-19 trung bình sẽ do tuyến y tế tuyến quận huyện phụ trách.

Nhóm bệnh nhân hậu COVID-19 nặng sẽ do các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa tuyến cuối phụ trách điều trị.

Ngoài ra, theo các chuyên gia cũng cần xác định rõ các tiêu chí hậu COVID-19 để tránh điều trị lượng lớn bệnh nhân. Một vấn đề khác, các chuyên gia cho rằng cần quan tâm các bệnh lý khác và sức khỏe nhân viên y tế

Hậu COVID-19 được xem là vấn đề sức khỏe cộng đồng sau đại dịch. Do đó các chuyên gia cho rằng cần có những chiến lược tiếp cận và can thiệp sớm phù hợp, rõ ràng chắc sóc sức khỏe người dân.

Link: https://vtv.vn/xa-hoi/di-chung-hau-covid-19-nhieu-nguoi-benh-khong-the-tro-lai-cuoc-song-binh-thuong-20220215094659409.htm

 

 

Theo VTV

 

.